Câu chuyện đặc biệt trong các lá thư cuối cùng của phi công cảm tử Nhật Bản

Phi công cảm tử kamikaze không hề giống hình ảnh nhiều người vẫn tưởng tượng: một thanh niên Nhật Bản trẻ tuổi đeo kính bay đang la hét điên loạn khi lái máy bay của anh ta về phía mục tiêu.

Máy bay của phi công cảm tử kamikaze được trưng bày tại bảo tàng ở Chiran. (Nguồn: CNN)
Máy bay của phi công cảm tử kamikaze được trưng bày tại bảo tàng ở Chiran. (Nguồn: CNN)

Những dòng nhắn gửi cuối cùng

Mỗi khi nhắc tới một phi công cảm tử kamikaze, người ta thường tưởng tượng tới một thanh niên Nhật Bản trẻ tuổi đang đeo kính bay đang la hét và hướng chiếc máy bay của anh ta về phía mục tiêu.

Hoặc chẳng xuất hiện gương mặt nào cả, mà chỉ có hình ảnh một chiếc máy bay chiến đấu lao vào tàu chiến.

Có lẽ đó không phải là hình ảnh một cậu thiếu niên đang kéo chăn trùm lên đầu và khóc khi núp trong một căn hầm ẩm ướt. Và chắc người ta không thể hình dung một "kẻ điên loạn" như phi công kamikaze có thể vuốt ve một chú chó con đầy vui vẻ chỉ vài giờ trước khi lao mình vào một tàu sân bay Mỹ.

Nhưng đó lại chính là gương mặt thật của một số phi công kamikaze được trưng bày dọc theo các bức tường của Bảo tàng Căn cứ Không quân Kanoya và Bảo tàng Hòa bình Chiran. Cả hai bảo tàng này đều nằm trên hòn đảo Kyushu của Nhật Bản.

Có hàng trăm bức ảnh của các phi công kamikaze xuất hiện trên tường của hai bảo tàng. Một số bức ảnh còn kèm theo những dòng chữ cuối cùng của các phi công, thường là nằm trong những bức thư gửi mẹ. Ở đó, các phi công xin lỗi vì những hành vi hoặc phát ngôn không đúng mực do tuổi trẻ, và hứa sẽ khiến mẹ tự hào.

Phi công kamikaze trẻ nhất được xác định là Yasuo Tanaka, 16 tuổi. Anh đã lái chiếc Okha - về cơ bản là một quả bom bay - rời khỏi máy bay mẹ để lao tới mục tiêu. Anh qua đời vào ngày 11/5/1945. Khách tham quan có thể xem ảnh của Tanaka tại Bảo tàng Kanoya, nằm trong khuôn viên một căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản.

Một quan chức bảo tàng cho biết họ không có bức thư cuối cùng của Tanaka. Nhưng nhiều bức thư khác của các phi công kamikaze trẻ tuổi đều cho thấy họ là những người dũng cảm. Ví dụ như Thiếu úy Torao Kato, 18 tuổi, người đã viết cho mẹ những dòng đầy cảm xúc: “Mẹ yêu quý của con, xin hãy sống thật lâu và có thật nhiều sức khỏe. Con sẽ cố gắng tiêu diệt một mục tiêu lớn."

Phi công kamikaze cao tuổi nhất là là Trung tá Yoshio Itsui, 32 tuổi. Itsui nằm trong số những người đã thực hiện các chuyến bay cảm tử đầu tiên từ căn cứ không quân Chiran vào ngày 1/4/1945. Khi qua đời, Itsui để lại một vợ và ba con nhỏ, gồm một bé vừa sinh. Bảo tàng Chiran đã xuất bản một cuốn sách mang tựa đề "Tâm hồn của phi công kamikaze", trong đó có bức thư cuối cùng Itsui gửi cho con út. “Hãy làm việc chăm chỉ và lớn lên thành một người đàn ông Nhật Bản ưu tú, một đứa con của Thiên Hoàng," Itsui viết.

Theo nội dung cuốn sách, đáng tiếc là con trai út của Itsui sẽ không bao giờ đọc bức thư của cha. Nguyên nhân do khi vợ của Itsui biết tin ông qua đời, bà đã bị mất sữa, khiến đứa con út qua đời vì suy dinh dưỡng 4 tháng sau đó.

"Không ngần ngại nhận nhiệm vụ"

Trong khán phòng ở Bảo tàng Chiran vào một buổi sáng tháng 10/2023 đầy nắng, những câu chuyện như của Itsui khiến hầu hết trong số khoảng 30 khách tham quan đang nghe thuyết trình về lịch sử của phi công kamikaze phải rơi lệ. Ngay cả với những ai không nói tiếng Nhật, hình ảnh trên màn hình và cảm xúc của những người khác trong khán phòng cũng đủ để khiến họ khóc theo.

Trong số những bức ảnh được trưng bày có một bức cho thấy người phi công kamikaze trẻ tuổi đang vuốt ve một chú chó con - hình ảnh được nhiều khách tham quan đánh giá là ấn tượng nhất về các phi công cảm tử.

screenshot-6-8166.png
Khách tham quan đứng trước hình ảnh các phi công cảm tử tại Bảo tàng Hòa bình Chiran. (Nguồn: CNN)

Theo CNN, các phi công kamikaze đa phần có độ tuổi từ 17 đến 19. Tất cả đều được gọi là Phi công trẻ -những thanh niên được đưa đi huấn luyện ở tuổi 14, trước khi những đơn vị kamikaze đầu tiên thành lập.

“Rất có thể họ không biết rằng mình rồi sẽ trở thành phi công cảm tử,” cuốn sách "Tâm hồn của phi công kamikaze" viết. “Tuy nhiên, khi đã biết số phận của mình, họ không ngần ngại chấp nhận, tin rằng cái chết là vì đất nước và cha mẹ."

Năm thanh niên xuất hiện trong bức ảnh có chàng trai đang vuốt ve một chú cún con đều đã thiệt mạng vào ngày 27/5/1945. Họ nằm trong số 335 Phi công trẻ đã chết như những phi công cảm tử.

Trong số những bức ảnh được gắn trên tường của Bảo tàng Chiran có một bức của Đại úy Masaji Takano, người Mỹ. Theo cuốn sách của Bảo tàng Chiran, Takano sinh ra ở Hawaii, kết hôn với một phụ nữ Nhật Bản, tới Nhật Bản học đại học và được tuyển vào hàng ngũ phi công cảm tử.

Bức thư cuối cùng của ông có hình vẽ một chiếc máy đang bổ nhào, cùng dòng chữ: “Tôi chắc chắn sẽ đưa tàu chiến của kẻ thù xuống đáy biển”. Cuốn sách cho biết Takano có ba người anh em. Trong số này, một người cũng chiến đấu cho Nhật Bản và hai người còn lại chiến đấu cho quân đội Mỹ trên chiến trường Châu Âu.

"Kẻ thù nguy hiểm nhất" của Hải quân Mỹ

Kamikaze là từ kết hợp từ hai chữ tiếng Nhật: “kami” có nghĩa là “thần” và “kaze” có nghĩa là “phong". Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu vào năm 1281, khi một cơn bão lớn đánh chìm một hạm đội của người Mông Cổ đang hướng tới Nhật Bản. Việc hạm đội Mông Cổ bị chìm đã giúp người Nhật tránh khỏi một trận chiến tàn khốc. Ở Nhật Bản, các kamikaze còn được gọi là “tokko”, nghĩa là phi công “tấn công đặc biệt”.

Khi cuộc chiến ở Thái Bình Dương dần xoay chuyển cục diện theo hướng bất lợi cho quân phát xít Nhật Bản vào năm 1944, Đô đốc Takijiro Onishi đã triển khai chiến thuật đâm máy bay mang bom vào tàu chiến Mỹ. Đây được coi như nỗ lực cuối cùng nhằm bảo vệ quê hương Nhật Bản khỏi các đội tàu chiến Mỹ.

Theo số liệu do Bảo tàng Chiron, có tổng cộng 1.036 nam quân nhân thuộc Lục quân Nhật Bản đã chết trong các nhiệm vụ kamikaze. 1.584 người khác thuộc các đơn vị Hải quân cũng thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ tương tự.

Cùng nhau, họ đã thực hiện hơn 1.730 phi vụ tấn công cảm tử. Và thiệt hại mà họ gây ra với Hải quân Mỹ rất ghê gớm. Bộ Tư lệnh Di sản và Lịch sử Hải quân Mỹ gọi Trận Okinawa, diễn ra từ ngày 1/4 đến ngày 22/6/1945, là trận chiến đẫm máu nhất từ trước đến nay đối với Hải quân Mỹ. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, khoảng 40% trong số 12.000 lính Mỹ thiệt mạng trong trận chiến này thuộc về 26 tàu Mỹ bị đánh chìm và 168 chiếc bị hư hại. Các tàu trên bị phi công thần phong tấn công tại khu vực ngoài khơi Okinawa.

Cần biết rằng giai đoạn năm 1945, quân đội Mỹ ở chiến trường Thái Bình Dương nhận thức rõ rằng họ sẽ phải đối mặt với các màn tấn công tự sát kinh khủng từ quân đội phát xít Nhật. Có lẽ người Mỹ chưa quên vụ tấn công tự sát khét tiếng nhất xảy ra một năm trước đó trên đảo Saipan. Khi biết rằng không thể giành được chiến thắng trên chiến trường, gần 4.000 quân Nhật đã tổ chức một cuộc tấn công tự sát chống lại lực lượng vượt trội của Mỹ, và để lại nỗi ám ảnh lớn cho đối phương.

Trận chiến trên bộ ở Okinawa đã chứng kiến những vụ tấn công tự sát tương tự ở quy mô nhỏ hơn. Nhưng một người lính Nhật còn sống sót ở Okinawa vẫn nhớ điều gì đã thúc đẩy tâm lý đó. CNN trích lời người sống sót Kinjo Shigeaki cho biết: “Trở lại những ngày mà 100 triệu dân Nhật Bản được cho là đã sẵn sàng chiến đấu đến người cuối cùng, tất cả đều chuẩn bị cho cái chết. Học thuyết về sự tuân lệnh hoàn toàn đối với Thiên Hoàng nhấn mạnh đến cái chết và coi nhẹ sự sống.”

Người bạn tâm giao của phi công cảm tử

Các phi công cảm tử ở Căn cứ Chiran thường nghỉ đêm cuối cùng tại Quán trọ Tomiya ở Chiran, nơi chủ quán Tome Torihama trở thành bạn tâm giao đáng tin cậy của nhiều người trong số họ. Một số người đã giao phó cho bà những lá thư ghi lời cuối của họ gửi về gia đình, để tránh sự kiểm duyệt của quân đội.

Gia đình bà Torihama đã bảo quản một số lá thư cùng các hiện vật khác tại một bảo tàng nhỏ ở Chiran, nằm cách Bảo tàng Hòa bình Chiran một quãng lái xe ngắn. Đây được xem là điểm dừng chân đáng giá để có cái nhìn sâu sắc hơn về các phi công cảm tử.

Nhưng trước khi tới bảo tàng, du khách nên ghé qua Nhà hàng Kenta Torihama, nơi chắt của bà Torihama, đang điều hành. Ông nói với du khách rằng điều quan trọng là những câu chuyện về kamikaze và bà của anh không bị lãng quên.

Ông mong sẽ có thêm nhiều người nước ngoài tìm tới đây để hiểu thêm về các phi công kamikaze. “Người Nhật coi kamikaze là những người bảo vệ, còn người ngoài coi họ là kẻ thù,” ông nói.

Ông cho biết những lá thư cuối cùng của kamikaze chứa đầy những bài học. Đặc biệt, chúng cho thấy sự điên rồ và bi kịch của chiến tranh. “Nếu tất cả chúng ta có thể rút ra bài học từ những lá thư đó thì thế giới ngày nay sẽ là một chốn hòa bình hơn”, ông nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục