Câu chuyện về tên tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã trốn ở Bolivia

Trong chiến tranh thế giới thứ 2, Klaus Barbie là một nhân vật khét tiếng với biệt danh Kẻ tàn sát ở Lyon, nhưng hắn chưa bao giờ phải đối mặt với lệnh bắt giữ hay công lý khi cuộc chiến kết thúc.
Câu chuyện về tên tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã trốn ở Bolivia ảnh 1Klaus Barbie. (Nguồn: Getty)

Trong chiến tranh thế giới thứ 2, Klaus Barbie là một nhân vật khét tiếng với biệt danh Kẻ tàn sát ở Lyon, nhưng không như những đồng phạm Đức Quốc xã khác của hắn, Barbie chưa bao giờ phải đối mặt với lệnh bắt giữ hay công lý khi cuộc chiến kết thúc.

Barbie được tuyển mộ như một điệp viên CIA và bí mật đưa tới Bolivia. Hắn đã trở thành một thành phần lãnh đạo nhà nước ma túy tàn bạo tại đây.

Cuộc trốn tránh công lý ban đầu của Barbie là hệ quả của một sai lầm đã đóng góp cho việc buôn bán cocaine đồi bại và đầy lợi nhuận. Phải tới nhiều năm sau, công lý mới được thực thi.

Warren Manger của tờ The Daily Mirror đã phỏng vấn nhà báo người Mỹ Peter McFarren, đồng chủ bút của cuốn tiểu sử về tên Đức Quốc xã này mang tên “The Devil’s Agent” (tạm dịch: Điệp viên của quỷ).

“Barbie có thể đã không trực tiếp liên quan tới việc vận chuyển hàng kilogram ma túy, nhưng hắn đã đóng một vai trò quyết định trong sự phát triển của việc buôn bán ma túy ở Bolivia, Peru và Columbia,” ông McFarren cho biết. “Hắn là trung gian liên lạc giữa những ông vua cocaine và chính phủ, quân đội và những tên lính đánh thuê.”

Năm 29 tuổi, Barbie đã được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo lực lượng cảnh sát bí mật của Hitler vào năm 1942. Khi đó, hắn được giao nhiệm vụ săn lùng các thành viên của cuộc Cách mạng Pháp.

Trong cuộc chiến, hắn được đặt biệt danh là Kẻ tàn sát vì những hành động tra tấn, lạm dụng tình dục, hành hình ghế điện và bẻ gãy xương cốt.

Khi Barbie có khả năng bị khởi tố vì những tội ác chiến tranh khủng khiếp của hắn, bao gồm trách nhiệm cho cái chết của 14.000 người, CIA đã nhờ tới sự trợ giúp của Vatican để đổi tên hắn thành Klaus Altmann, và hắn đã trốn sang Bolivia vào năm 1951.

Hắn đã trở thành một đại tá trong quân đội Bolivia, nơi hắn viện tới sự hỗ trợ của nhóm khủng bố mang tên Fiancés of Death (tạm dịch: Hôn phu của Tử thần). Hắn cũng đã cố vấn cho quân đội Bolivia về hoạt động thẩm vấn và các kỹ thuật tra tấn.

Sau đó, hắn đã hợp tác với một số trùm ma túy khét tiếng nhất khu vực, trong đó có Pablo Escobar, kẻ nhiều khả năng đã nhận được sự trợ giúp về vũ khí từ Barbie. Tuy nhiên, đồng minh thân cận nhất của Barbie là thủ lĩnh quân phiệt người Bolivia Roberto Suarez Gomez, kẻ thường xuyên gặp mặt Barbie vào đầu những năm 1980.

Barbie lo lắng rằng sẽ có một cuộc cách mạng Cộng sản ở Bolivia, điều này có thể khiến hắn bị xử trước tòa tại Pháp vì các tội ác chiến tranh của mình. Suarez Gomez muốn được tự do mở rộng đế chế cocaine của mình mà không phải lo bị khởi tố.

Vậy là chúng đã dàn xếp một cuộc đảo chính quân sự để đưa Tướng Luis Garcia Meza Tejada lên làm tư lệnh quân đội, và sau đó là tổng thống vào năm 1980. Tất cả những hoạt động này đều được tài trợ bởi tiền bán ma túy.

Ông McFarren cho biết: “Lật đổ một chính phủ dân chủ bằng tiền thu được từ buôn bán ma túy là điều chưa từng có. Nó đã đặt ra một tiền lệ nguy hiểm rằng nền dân chủ có thể bị gián đoạn bởi những đồng đô-la và chủ nghĩa khủng bố của những kẻ buôn bán ma túy.”

“Ở Colombia và Peru có những quan chức chính phủ và cảnh sát quân sự tham gia vào đường dây buôn bán cocaine. Nhưng tôi không hề biết một chế độ nào khác hoàn toàn được tài trợ bởi hoạt động này, và Barbie đã đóng một vai trò chủ chốt trong đó."

Barbie đã sinh sống tốt ở Bolivia và thậm chí còn trở thành một nhân vật của công chúng.

"Hắn thậm chí không bị nhìn nhận như một kẻ sát nhân khủng khiếp của Đức Quốc xã. Hắn trở thành một nhân vật gần gũi. Tôi đã nhìn thấy hắn trên phố cùng vợ, ở một quán cà phê địa phương," ông McFarren chia sẻ.

Sau sự sụp đổ của nền độc tài quân sự, Barbie đã bị trục xuất sang Pháp vào năm 1983 để xét xử. Khi đó, đã 70 tuổi, hắn vẫn không ăn năn hối cải đối với nhiều tội ác mà hắn đã gây ra, và tuyên bố rằng: "Khi tôi đứng trước Chúa, tôi sẽ được phán là vô tội."

Đứng trước tòa với 41 tội danh chống lại nhân loại, Barbie đã bị kết tội và chịu án tù chung thân vào tháng 7/1987. Hắn đã chết sau đó 4 năm vì lao phổi và ung thư cột sống./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục