Hãng Tân Hoa Xã ngày 12/2 dẫn dự báo từ 4 tổ chức tài chính trong nước cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của quốc gia này có thể tăng nhẹ trong tháng Một do xu hướng giảm giá của hoa quả và trứng được bù đắp bởi sự tăng giá của ngũ cốc.
CPI của Trung Quốc sẽ ở mức 2,6% trong tháng Một, cao hơn so với mức tăng 2,1% trong tháng 12/2016 và cao hơn so với mức dự báo được đưa ra trước đó là 2,4%.
Theo các nhà phân tích tại China Securities, giá các loại rau quả vẫn giữ ở mức ổn định trong tháng Một do thời tiết ấm. Giá hoa quả và trứng giảm xuống, nhưng giá ngũ cốc lại tăng. Giá thực phẩm chiếm khoảng 30% cơ cấu CPI của Trung Quốc.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) - thước đo lạm phát trong lĩnh vực bán buôn- trong tháng Một được dự báo sẽ giảm 0,2% so với tháng 12/2016 do giá các loại nguyên liệu thô đi xuống.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức đạt 51,3 điểm trong tháng Một, thấp hơn 0,1 điểm so với tháng 12/2016.
Theo chuyên gia Chen Weidong của Ngân hàng Bank of China, đối mặt với sức ép giảm phát, Trung Quốc trong năm nay sẽ tập trung vào việc ổn định nền kinh tế, kiềm chế bong bóng bất động sản và đề phòng các nguy cơ.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, mức tăng thấp nhất trong 26 năm qua, song vẫn nằm trong mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% của chính phủ. Số liệu chính thức cho thấy chỉ số lạm phát năm 2016 của Trung Quốc không đạt được mức mục tiêu khoảng 3% mà chính phủ đề ra, chỉ tăng 2% trong năm 2016, so với 1,4% của năm 2015.
Ngày mai (14/2) Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc sẽ công bố các chỉ số CPI, PPI của nước này trong tháng Một, cùng với hàng loạt chỉ số kinh tế khác./.