Chính phủ Italy kêu gọi ECB tránh gây căng thẳng khi tăng lãi suất

Bộ trưởng Tài chính Italy Daniele Franco cho biết Các ngân hàng trung ương nên cố gắng chọn một quỹ đạo có xem xét đến các yếu tố tiềm ẩn làm tăng tỷ lệ lạm phát.
Chính phủ Italy kêu gọi ECB tránh gây căng thẳng khi tăng lãi suất ảnh 1Các đồng tiền giấy và tiền xu euro tại Dortmund, miền Tây nước Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/6, Bộ trưởng Tài chính Italy Daniele Franco đã kêu gọi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tránh gây căng thẳng cho thị trường tài chính bằng các động thái hướng tới chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Paris (Pháp), sau khi chủ trì một cuộc họp của các đối tác thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), ông Franco nói: “Điều chúng ta nên tránh là tạo ra những căng thẳng không cần thiết trong bối cảnh này. Các ngân hàng trung ương nên cố gắng chọn một quỹ đạo có xem xét đến các yếu tố tiềm ẩn làm tăng tỷ lệ lạm phát."

Bộ trưởng Franco đã lặp lại nhận xét của Thủ tướng Italy Mario Draghi hôm 9/6, trước khi ECB cam kết có các động thái làm tăng chi phí đi vay, một quyết định khiến lợi suất nợ của quốc gia này tăng vọt.

Thủ tướng Draghi đã nhấn mạnh cách thức lạm phát trong khu vực đồng euro bị tác động bởi nhu cầu ít hơn cung và rằng vẫn còn khả năng dự phòng.

[Chủ tịch ECB phát đi tín hiệu về khả năng nâng lãi suất vào tháng 7]

Ông Franco, người cũng giống như Thủ tướng Draghi, là cựu quan chức Ngân hàng trung ương Italy, cho rằng trong những trường hợp như vậy, “việc tăng lãi suất ít phù hợp hơn và không ảnh hưởng nhiều đến kịch bản kinh tế vĩ mô."

Bộ trưởng Franco thừa nhận rằng giá tiêu dùng đang tăng ngay cả khi loại bỏ các yếu tố dễ thay đổi như năng lượng. Ông nói: “Tỷ lệ lạm phát, gần bằng 0 đang tăng lên. Lạm phát cơ bản đang gia tăng."

Phát biểu cùng với Bộ trưởng Franco, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann đã ủng hộ quyết định của ECB. Ông Cormann nói: “ECB đã báo hiệu một cách rõ ràng về quỹ đạo tương lai khi nói đến các thiết lập chính sách tiền tệ. Rõ ràng các quyết định của ECB không nằm ngoài dự kiến và hoàn toàn phù hợp trong mọi tình huống”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục