Chính quyền Mỹ quyết định rút quân ra khỏi Iraq

Quyết định này chấm dứt hơn 8 năm Mỹ phát động chiến tranh xâm lược Iraq, bất chấp những mối lo về nguy cơ bất ổn tại quốc gia này.
Ngày 15/10 một quan chức cấp cao của Nhà Trắng tiết lộ với báo giới rằng Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã quyết định sẽ rút toàn bộ lính Mỹ ra khỏi Iraq theo đúng kế hoạch đã công bố, chứ không kéo dài việc triển khai quân tại quốc gia Trung Đông này như một số đề xuất trong những tháng gần đây.

Quyết định này sẽ chấm dứt hơn 8 năm Mỹ phát động cuộc chiến tranh xâm lược vào Iraq, bất chấp những mối lo ngày càng tăng về năng lực của các lực lượng an ninh cũng như nguy cơ bất ổn tại quốc gia này.

Thư ký báo chí của Lầu Năm góc, ông George Little, tiết lộ trên các phương tiện truyền thông Mỹ rằng toàn bộ hơn 41.000 lính Mỹ còn lại sẽ rút khỏi Iraq vào cuối năm nay, cụ thể là ngày 31/12/2011, như chính phủ hai nước đã thỏa thuận năm 2008. Chỉ còn 157 lính chính quy sẽ được bố trí trong biên chế của Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad.

Bất chấp việc rút toàn bộ binh lính, ông Little khẳng định Mỹ vẫn sẵn sàng thực hiện thêm các sứ mệnh tại Iraq khi được đề nghị.

Nhà Trắng tiết lộ kế hoạch trên sau nhiều tháng đàm phán với các nhà lãnh đạo Iraq về việc rút toàn bộ lính Mỹ đúng hạn chót 31/12/2011 hoặc hai bên cần phải thương thảo một dàn xếp an ninh mới theo đó lính Mỹ được phép triển khai quá ngày 31/12/2011 để giúp bảo đảm an ninh của nước này.

Tuy nhiên, các quan chức gần gũi với các vòng đàm phán nhiều tháng qua cho biết một trong những mâu thuẫn gây bế tắc là việc Iraq nhất quyết cho rằng số lính Mỹ ở lại sẽ không được miễn trừ luật pháp Iraq trong khi Lầu Năm góc thì khẳng định sẽ không ở lại lâu hơn hạn chót nếu binh lính của họ không được hưởng quyền miễn trừ đặc biệt này.

Một nguyên nhân nữa là do nội bộ các nhà lãnh đạo Iraq bất đồng sâu sắc với nhau xung quanh việc có nên kéo dài sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq hay không.

Một số nhà lãnh đạo khẳng định việc lính Mỹ kéo dài sứ mệnh để huấn luyện cho các lực lượng của Iraq cho tới khi tự bảo đảm được an ninh là một yếu tố sống còn, nhất là việc bảo vệ không phận và thu thập tình báo.

Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo khác của Iraq kiên quyết phản đối sự hiện diện kéo dài của quân đội Mỹ. Một số thủ lĩnh Hồi giáo dòng Shiite thậm chí còn dọa sẽ tấn công vào số lính Mỹ ở lại Iraq sau ngày 31/12/2011.

Người phát ngôn Nhà Trắng Tommy Vietor cho biết, ngoài một nhóm thủy quân lục chiến chuyên canh gác bảo vệ sứ quán và 157 sỹ quan và binh lính chịu trách nhiệm lo liệu vũ khí, trang thiết bị cho quân đội Iraq, sau ngày 31/12/2011 Mỹ còn thuê khoảng 5.000 nhân viên an ninh để bảo đảm an ninh cho các nhà ngoại giao và các lợi ích của Mỹ trên khắp đất nước Iraq.

Kể từ khi phát động cuộc chiến tại Iraq tháng 3/2003 đến ngày 12/10/2011, đã có 4.477 lính Mỹ bị thiệt mạng và 32.209 lính bị thương, chưa kể hàng trăm nghìn lượt lính Mỹ phải vào viện điều trị các chứng bệnh như rối loạn thần kinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục