Chính sách ngoại giao chiến lang của Trung Quốc đang phai nhạt

Chính sách ngoại giao chiến lang đã làm suy yếu hình ảnh toàn cầu của Trung Quốc và làm trầm trọng thêm mối quan hệ của Bắc Kinh với các nước trên thế giới, do đó, Trung Quốc đang cần một sự thay đổi.
Chính sách ngoại giao chiến lang của Trung Quốc đang phai nhạt ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng thediplomat.com, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở nên nổi tiếng với chính sách “ngoại giao chiến lang,” một chiến thuật ngoại giao quyết đoán đến mức lăng mạ hoặc đe dọa những người bị xem là xâm phạm lợi ích của Trung Quốc.

Ngoại giao chiến lang đã được sử dụng rộng rãi trong vài năm qua, đặc biệt là kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ.

Tuy nhiên, chiến lược ngoại giao quyết đoán này đã làm suy yếu hình ảnh toàn cầu của Trung Quốc và làm trầm trọng thêm mối quan hệ của họ với các nước trên thế giới, từ châu Âu đến châu Á. Do đó, một sự thay đổi cần được tiến hành để đảm bảo tốt hơn lợi ích của Trung Quốc.

Chuyển hướng lập trường

Tháng 5/2021, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng điều quan trọng là phải thể hiện một hình ảnh tích cực của Trung Quốc để không ngừng mở rộng vòng kết nối bạn bè của Trung Quốc.

Ông cũng nói rằng Trung Quốc nên “cởi mở và tự tin, nhưng cũng nên khiêm tốn và khiêm nhường” trong giao tiếp với thế giới. Bài phát biểu của ông tạo ra một sự tương phản rõ rệt với phong cách ngoại giao chiến lang trong vài năm qua.

Đó là tín hiệu đầu tiên cho thấy sự chuyển hướng khỏi chính sách ngoại giao chiến lang của Trung Quốc vì bản thân Chủ tịch Tập Cận Bình và chính quyền nước này ngày càng nhận thức được phản ứng dữ dội do lập trường quyết đoán hơn của các nhà ngoại giao Trung Quốc.

Vào thời điểm đó, Trung Quốc đang đối mặt với việc các mối quan hệ của họ với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Australia ngày càng xấu đi. Trên hết, Trung Quốc đang vấp phải sự bất bình lớn từ các quốc gia trên thế giới.

Một động thái mang tính biểu tượng khác mà Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện để dần thay đổi đường lối ngoại giao của Trung Quốc là việc bổ nhiệm đại sứ mới của Trung Quốc tại Mỹ: Tần Cương, một cựu thứ trưởng ngoại giao từng chịu trách nhiệm về các vấn đề Mỹ Latinh và châu Âu.

Người tiền nhiệm của ông là Thôi Thiên Khải, một nhà ngoại giao kỳ cựu với kiến thức sâu rộng về các vấn đề của Mỹ và các mối quan hệ cá nhân với các quan chức chính phủ và nhà lập pháp đương nhiệm và trước đây của Mỹ.

Ngược lại, việc ông Tần Cương thiếu kinh nghiệm ngoại giao liên quan đến các vấn đề của Mỹ đã khiến ông trở thành một lựa chọn đáng ngạc nhiên cho vị trí này.

Hiện có 2 lý do quan trọng để ông Tập Cận Bình đưa ra quyết định bổ nhiệm bất ngờ này:

Thứ nhất, ông Tần Cương trước đây phụ trách lịch trình ngoại giao của Chủ tịch Tập Cận Bình và tháp tùng ông cũng như các quan chức hàng đầu khác của Trung Quốc trong nhiều chuyến công du ngoại giao.

Chính sách ngoại giao chiến lang của Trung Quốc đang phai nhạt ảnh 2Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Tần Cương. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Rõ ràng, ông được giới lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm cả chính Chủ tịch Tập Cận Bình, tin tưởng. Do đó, ông Tập Cận Bình muốn một người có quyền tiếp cận trực tiếp hơn và có mối quan hệ cá nhân với mình để đảm đương nhiệm vụ ngoại giao quan trọng nhất đối với Trung Quốc.

Thứ hai, khi Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi xây dựng một hình ảnh tích cực về Trung Quốc vài tuần trước khi ông Tần Cương được bổ nhiệm, Chủ tịch Tập Cận Bình kỳ vọng sẽ sử dụng kinh nghiệm của ông Tần Cương với tư cách là người phát ngôn và Vụ trưởng Vụ Thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc để truyền tải “hình ảnh tốt đẹp” về Trung Quốc cũng như mang lại bầu không khí mới cho “đấu trường ngoại giao” Mỹ-Trung trong bối cảnh căng thẳng kéo dài.

Thay đổi trong cách tiếp cận châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Nhiều dấu hiệu khác trong năm nay cũng cho thấy sự suy giảm của chính sách ngoại giao chiến lang của Trung Quốc. Trung Quốc đang chuyển sang các tương tác tích cực với cách cư xử ngoại giao được tính toán kỹ để cải thiện mối quan hệ của họ với các quốc gia khác và tạm ngừng phong cách ngoại giao chiến lang.

Tháng 5/2022, ông Wu Hongbo - đại diện đặc biệt của chính phủ Trung Quốc về các vấn đề châu Âu - đã bắt đầu chuyến công du kéo dài 3 tuần tới châu Âu với mục đích xoa dịu căng thẳng Trung Quốc-EU ngày càng trầm trọng hơn do cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Khác với lập trường cứng rắn của ông về một số vấn đề trong chuyến công du châu Âu trước đó vào tháng 11/2021, lần này ông Wu Hongbo đã có một cách tiếp cận khác. Tại mọi điểm dừng chân, ông Wu Hongbo đều thừa nhận “những sai lầm” của Trung Quốc, trong đó bao gồm chính sách ngoại giao chiến lang.

Tháng 7/2022, trong lúc tham dự cuộc họp ngoại trưởng G20 ở Indonesia, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp ngoại trưởng Đức và Pháp.

Bất luận quan ngại về sự liên kết của Trung Quốc với Nga, lập trường của Bắc Kinh về cuộc khủng hoảng Ukraine và những bất đồng trước đó, cả hai bên đều hướng tới việc thúc đẩy hợp tác song phương thay vì tranh chấp.

[Học giả: Từ phán quyết PCA đến 'ngoại giao chiến lang' của Trung Quốc]

Dựa trên sự thay đổi thái độ của ông Wu Hongbo trong hai chuyến công du châu Âu và phát biểu của ông Vương Nghị trong các cuộc gặp gần đây với những người đồng cấp Đức và Pháp, Trung Quốc đang thay đổi cách tiếp cận ngoại giao để giành được lòng tin từ châu Âu nhằm cải thiện quan hệ.

Đáng chú ý, Trung Quốc đã thay đổi cách tiếp cận ngoại giao không chỉ đối với châu Âu mà còn đối với các nước láng giềng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chính sách ngoại giao chiến lang của Trung Quốc đang phai nhạt ảnh 3Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: Yonhap)

Tháng 3/2022, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói chuyện với Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, người đã cam kết theo đuổi chính sách ngoại giao thân Mỹ và lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Cuộc điện đàm của Chủ tịch Tập Cận Bình với Tỏng thống Yoon Suk-yeol có ý nghĩa lớn bởi nó phá vỡ quy tắc lâu đời rằng chủ tịch Trung Quốc không gọi điện cho tổng thống đắc cử của các quốc gia khác.

Cuộc điện đàm bất ngờ đó đã được tiến hành để thể hiện “thiện chí” của Trung Quốc nhằm mục đích hàn gắn quan hệ giữa hai nước.

Hàn Quốc không phải là ví dụ duy nhất cho xu hướng này. Tháng 1/2022, Xiao Qian - cựu đại sứ Trung Quốc tại Indonesia nổi tiếng với phong cách giao tiếp chuyên nghiệp và giọng điệu ôn hòa hơn - đã được bổ nhiệm làm đại sứ mới của Trung Quốc tại Australia, thay thế nhà ngoại giao Cheng Jingye đã phục vụ trong 5 năm qua.

Kể từ khi ông Xiao Qian bắt đầu phục vụ vào tháng 1/2022, ông đã công khai lên tiếng về việc khôi phục mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia.

Hơn nữa, khi Ngoại trưởng Vương Nghị gặp Ngoại trưởng Australia Penny Wong bên lề hội nghị ngoại trưởng G20 ở Indonesia vào tháng 7/2022, ông Vương Nghị đã nói với người đồng cấp Australia rằng “Trung Quốc sẵn sàng kiểm tra lại, điều chỉnh lại và củng cố quan hệ song phương trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và nỗ lực đưa quan hệ song phương đi đúng hướng.”

Những lời lẽ như vậy có phần ôn hòa so với những bình luận và chính sách mà chính phủ Trung Quốc đưa ra trong 2 năm qua, một lần nữa cho thấy kế hoạch của họ nhằm kiềm chế chính sách ngoại giao chiến lang./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục