Học giả: Từ phán quyết PCA đến 'ngoại giao chiến lang' của Trung Quốc

Phản ứng của Trung Quốc trước phán quyết của Tòa trọng tài PCA về Biển Đông đã đi ngược tất cả những kỳ vọng đối với một quốc gia có trách nhiệm, một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.
Học giả: Từ phán quyết PCA đến 'ngoại giao chiến lang' của Trung Quốc ảnh 1Tàu Trung Quốc ở Biển Đông. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đã tròn 5 năm kể từ khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) đưa ra phán quyết trong vụ kiện của Philippines nhằm bóc trần đường 9 đoạn phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Tiến sỹ SD Pradhan, nguyên Phó Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ, đã điểm lại 5 khía cạnh đáng chú ý của phán quyết lịch sử này.

VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu bài viết, được đăng trên tờ Times of India.

Có lẽ không có vụ kiện nào khác của Tòa trọng tài lại thu hút được nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và hiếm khi có quyết định nào của Tòa trọng tài bị một bên bác bỏ và phản đối kịch liệt như trong trường hợp này.

Đây thực sự là một phán quyết lịch sử theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) vì nó đề cập đến một số vấn đề mà sau này tạo cơ sở cho tranh chấp kéo dài ở Biển Đông. Điều quan trọng đó là bản phán quyết hàm chứa các định nghĩa về các rạn san hô và các thực thể trên biển cũng như lãnh hải, vốn đã được áp dụng phổ biến.

Có năm khía cạnh đáng chú ý của phán quyết. Thứ nhất, phán quyết tuyên bố rõ ràng rằng yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc về “quyền lịch sử” đối với các vùng biển tại Biển Đông là trái pháp luật quốc tế và nhấn mạnh vai trò trung tâm của UNCLOS 1982 trong việc điều phối các khu vực hàng hải.

Thứ hai, phán quyết đã làm rõ định nghĩa về “các hòn đảo.” Phán quyết chỉ ra rằng không có thực thể nào tại Trường Sa trong số đảo Ba Bình, Thị Tứ, Song Tử Đông và Song Tử Tây là các đảo hợp pháp vì các đảo này không thể duy trì một cộng đồng ổn định hoặc đời sống kinh tế độc lập.

Như vậy, các đảo chỉ được hưởng lãnh hải 12 hải lý theo UNCLOS 1982. Tòa trọng tài tuyên bố rằng đá Gạc Ma, đá Châu Viên và đá Chữ Thập chỉ là các bãi đá, trong khi đá Tư Nghĩa và đá Vành Khăn nằm dưới mực nước biển khi thủy triều lên, không được hưởng các quyền đối với đảo.

Tòa cũng tuyên bố rằng bãi Cỏ Mây và bãi Cỏ Rong nằm dưới mực nước biển và thuộc thềm lục địa của Philippines, do đó bác bỏ mọi quyền đối với Trung Quốc tại đây.

Thứ ba, Tòa trọng tài ra phán quyết phản đối “hoạt động cải tạo đảo” của Trung Quốc khi các hoạt động này gây ra “tác hại nghiêm trọng đến môi trường rạn san hô.”

Thứ tư, Tòa xác nhận rằng Trung Quốc đã xâm phạm quyền lợi của Philippines khi chiếm bãi cạn Scarborough vào năm 2012. Thứ năm, Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền của Philippines khi thăm dò dầu và khí đốt gần khu vực bãi Cỏ Rong.

[Những chiến thuật của Trung Quốc làm suy yếu phán quyết của PCA]

Phản ứng của Trung Quốc trước phán quyết đã đi ngược tất cả những kỳ vọng đối với một quốc gia có trách nhiệm, đặc biệt khi Trung Quốc là một trong những thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.

Có ba điểm đáng chú ý trong cách của phản ứng Trung Quốc. Đầu tiên, Trung Quốc gọi phán quyết của Tòa trọng tài là 'vô hiệu' và nhấn mạnh rằng không có điều khoản ràng buộc nào khiến Trung Quốc phải thực hiện phán quyết.

Thứ hai, Trung Quốc phản đối quyền tài phán của Tòa trọng tài đối với các đệ trình của Philippines. Thứ ba, vượt qua mọi giới hạn của một thành viên có trách nhiệm trong Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc đã cáo buộc các thẩm phán tòa án tối cao thiên vị khi cáo buộc rằng trong số 5 thẩm phán thì có 4 người chịu tác động từ Nhật Bản. Lời chỉ trích như vậy từ quốc gia là một bên ký kết UNCLOS 1982 là hoàn toàn không phù hợp.

Phản ứng của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với việc Ấn Độ chấp nhận tuân thủ phán quyết của một tòa trọng tài được thành lập theo cách tương tự như trong vụ việc giữa Ấn Độ và Bangladesh hai năm trước vụ kiện của Trung Quốc.

Mặc dù cộng đồng quốc tế đã yêu cầu Trung Quốc chấp thuận phán quyết, nhưng lại không tạo những áp lực cần thiết. Trước phán quyết, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách Đông Á lúc đó là Abraham Denmark đã kêu gọi Trung Quốc noi gương Ấn Độ trong việc giải quyết tranh chấp biên giới trên biển với Bangladesh bằng cách chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài thường trực. Ấn Độ, Nhật Bản và nhiều nước khác cũng yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã kịch liệt phản bác lời kêu gọi noi gương Ấn Độ khi tuyên bố rằng không thể so sánh hai trường hợp. Đáng tiếc, Philippines đã quyết định không theo đuổi phán quyết bởi tân Tổng thống Philippines khi đó cảm thấy rằng các quốc gia của ông có thể thu được nhiều lợi hơn khi đứng về phía Trung Quốc.

Trên thực tế, Trung Quốc đã bước vào giai đoạn bành trướng kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Khi còn là Phó Chủ tịch, ông Tập đã thành lập một ủy ban gồm 13 Bộ nhằm biện minh cho các yêu sách của Trung Quốc ở ngoài lãnh thổ bao gồm việc ngụy tạo các bằng chứng lịch sử và pháp lý.

Dựa trên khuyến nghị của ủy ban này, Trung Quốc bắt đầu tuyên bố chủ quyền đối với các khu vực tại Biển Hoa Đông, Biển Đông và dọc theo biên giới Ấn Độ-Tây Tạng, thể hiện trên hộ chiếu Trung Quốc cùng các văn bản chính thức khác và bắt đầu biện minh cho những tuyên bố của mình dựa trên sự giả dối và chứng cứ lịch sử ngụy tạo. Ông Tập cũng cho xây dựng các đảo nhân tạo để củng cố các yêu sách của Trung Quốc.

Ngay sau khi trở thành Chủ tịch nước, Tập Cận Bình đã phác họa “Giấc mộng Trung Hoa” nhằm đưa đất nước trở lại thời kỳ cực thịnh, dựa trên chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ.

Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm Đảng cộng sản Trung Quốc, đây là chủ đề trọng tâm được ông nhắc đến. Ông Tập đã xây dựng một chiến lược để bành trướng vì mục tiêu bá quyền.

Ông lên kế hoạch thiết lập quyền bá chủ của Trung Quốc trước tiên ở châu Á và sau đó là ra toàn thế giới vào năm 2049. Giấc mộng Trung Hoa dự tính thôn tính các khu vực bên ngoài lãnh thổ bằng cách kết hợp răn đe quân sự và ngoại giao, tạo ra sự chia rẽ giữa các bên tranh chấp, kết hợp cưỡng ép và sử dụng nguồn hỗ trợ tài chính.

Bài phát biểu trong lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng của ông Tập hàm chứa cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ không cho phép các thế lực bên ngoài bắt nạt, đàn áp hoặc khuất phục Trung Quốc và nếu ‘bất cứ quốc gia nào cố gắng làm như vậy thì sẽ bị nghiền nát cho đến chết trước Vạn Lý Trường Thành vốn được xây nên bằng thép cùng xương máu của 1,4 tỷ dân Trung Quốc.’

Trên thực tế, đây không chỉ là thông điệp gửi đến các quốc gia bên ngoài, bao gồm cả các bên tranh chấp mà còn như một ám thị cho thấy chính sách ngoại giao chiến lang của chính quyền Trung Quốc đang trở nên hung hăng hơn.

Bắc Kinh, thay vì chấp thuận phán quyết năm 2016, đã áp dụng một số phương pháp để đưa Biển Đông vào tầm kiểm soát của mình. Trong năm năm qua, sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng gia tăng, tần suất các hoạt động xâm lấn gia tăng đáng kể, hành vi quấy rối ngư dân và gây trở ngại cho các hoạt động thăm dò dầu khí của các bên tranh chấp cũng trở nên rất hung hãn.

Trung Quốc đã ban hành một luật mới, theo đó thay đổi tên các thực thể địa lý và thành lập các đơn vị hành chính cho khu vực tranh chấp để khẳng định các tuyên bố chủ quyền tại đây, cùng với đó là hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo và tuần tra nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn các bên tranh chấp khác phản đối Trung Quốc.

Trong thời kỳ đại dịch, Trung Quốc càng tỏ ra hung hăng hơn khi khẳng định các yêu sách của mình ở Biển Đông. Vào ngày 3/4/2020, một tàu Việt Nam với 8 thuyền viên đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm và khi hai tàu cá Việt Nam cố gắng cứu tám ngư dân, họ đã bị bắt giữ.

Trước đó, các tàu Trung Quốc đã xâm phạm khu vực xung quanh quần đảo Natuna dẫn đến xảy ra tranh chấp giữa Trung Quốc và Indonesia. Xung đột kéo dài giữa tàu Trung Quốc và Malaysia cũng đã diễn ra khi các tàu Trung Quốc cố gắng ngăn chặn hoạt động khai thác dầu của Malaysia ngoài khơi bờ biển nước này.

Vào tháng 3/2021, Trung Quốc đã đưa một số lượng lớn tàu vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Các khu vực biển của Đài Loan cũng thường xuyên bị Trung Quốc lấn chiếm.

Bất chấp những phản ứng của Trung Quốc, phán quyết của Tòa trọng tài đã làm suy yếu đáng kể vị thế của Trung Quốc. Đường chín đoạn đã bị tuyên bố là bất hợp pháp.

Bằng cách bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài và các chuẩn mực quốc tế, Trung Quốc bị nhìn nhận như một quốc gia thiếu trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế. Khi Việt Nam, Indonesia và Malaysia tiếp cận Liên hợp quốc để thực hiện phán quyết của Tòa trọng tài, một số nước khác cũng đã thể hiện sự ủng hộ.

Một chiến lược tổng thể phù hợp với các chuẩn mực là điều bắt buộc để đảm bảo tính khả thi. Ấn Độ và Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa với tư cách là thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc bằng cách xây dựng một chiến lược chung cùng với các nước khác.

Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dựa trên Công ước Liên hợp quốc về luật biển đã được một số quốc gia chấp nhận và điều này cần được tận dụng. Cần phải nêu cao tầm quan trọng của việc thực hiện phán quyết Tòa trọng tài vì hòa bình và ổn định không chỉ ở Biển Đông mà còn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như các khu vực khác.

Cộng đồng quốc tế cần xử lý vấn đề này một cách mạnh mẽ ở nhiều cấp độ khác nhau bằng cách sử dụng hiệu quả, đồng bộ các biện pháp khác nhau để tiếp tục gây sức ép đối với Trung Quốc cho đến khi nước này chấp nhận phán quyết.

Vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay là phải thực hiện một chiến dịch tổng thể hiệu quả, từ tổ chức các hội nghị, hội thảo, triển lãm chuyên đề cho đến sử dụng khéo léo các nền tảng truyền thông mạng xã hội để phản bác những tuyên truyền sai trái của Trung Quốc và nâng cao nhận thức của quốc tế về phán quyết Tòa trọng tài thường trực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục