“Chiran” - yếu tố bất ổn mới trên thị trường dầu mỏ

Nếu Trung Quốc cung cấp các khoản tín dụng cho Iran theo thỏa thuận đối tác mới, Bắc Kinh có thể sẽ tăng lượng dầu nhập khẩu từ Iran, đặc biệt là nếu Tehran chiết khấu cao cho đối tác này.
“Chiran” - yếu tố bất ổn mới trên thị trường dầu mỏ ảnh 1Các đường ống dẫn dầu tại một cơ sở khai thác dầu của Iran trên đảo Khark ở ngoài khơi vùng Vịnh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tờ Nikkei Asia Review, Trung Quốc đang tìm cách tăng cường quan hệ với Iran như một phần trong những nỗ lực nhằm tổ chức lại các liên minh toàn cầu.

Những thông tin gần đây về việc hai nước chuẩn bị ký kết thỏa thuận kinh tế và an ninh có thời hạn 25 năm đang khiến nhiều nước bất an cho dù cả Bắc Kinh và Tehran đều chưa chính thức xác nhận thông tin này.

Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu hợp tác trong lĩnh vực dầu mỏ là một nội dung nổi bật trong thỏa thuận toàn diện giữa Iran - một nước sản xuất dầu lớn của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - và Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ với cả hai nước này đều đang tăng.

Nếu thỏa thuận này trở thành hiện thực, kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Iran sang Trung Quốc có thể tăng mạnh bất chấp các biện pháp trừng phạt kinh tế mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang áp đặt lên Iran.

Liên minh chiến lược này có thể tạo ra những tác động sâu rộng. Chỉ riêng trong thế giới dầu mỏ, liên minh có thể làm gia tăng lo ngại, sự bất an và thậm chí là xung đột ở nhiều khía cạnh - giữa Mỹ và Iran, trong OPEC và giúp cho các doanh nghiệp lọc dầu của Trung Quốc hưởng lợi từ dầu thô giá rẻ của Iran so với các đối thủ của họ trên khắp châu Á.

[Góc nhìn toàn cảnh về tương lai của ngành dầu mỏ]

Theo dự thảo thỏa thuận dài 18 trang được lưu hành trên mạng Internet, trong vòng 25 năm tới, Trung Quốc sẽ đầu tư tới 400 tỷ USD vào các lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, cảng và đường sắt cùng với nhiều lĩnh vực khác ở Iran.

Bên cạnh đó, hai nước sẽ tăng cường hợp tác quân sự - một điều chắc chắn sẽ khiến các đối thủ của Iran ở Trung Đông tức giận và có nguy cơ gây bất ổn hơn nữa cho khu vực. Ngoài ra, thỏa thuận này cũng có ý nghĩa lớn đối với an ninh năng lượng của thế giới.

Sản lượng dầu thô của Iran đã giảm gần một nửa từ mức khoảng 3,8 triệu thùng/ngày do các biện pháp hạn chế mà Mỹ đã áp đặt lên hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước này từ tháng 11/2018 và các biện pháp này sau đó đã trở thành lệnh cấm vận xuất khẩu vào giữa năm 2019.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran đã không bị ngưng trệ hoàn toàn, bất chấp những lời đe dọa của chính quyền Tổng thống Trump vào năm ngoái, chủ yếu nhờ sự hỗ trợ liên tục của Trung Quốc.

Trung Quốc đã nhập khẩu dầu thô của Iran thông qua các công ty trong nước không có liên quan tới hệ thống tài chính quốc tế, vốn đang bị “đồng bạc xanh” của Mỹ chi phối.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng "né" các biện pháp trừng phạt của Mỹ bằng cách lưu trữ dầu thô của Iran vào kho ngoại quan, gần giống với các khu vực thương mại tự do. Điều này có nghĩa là về mặt kỹ thuật, các thùng dầu đó không phải là hàng hóa nhập khẩu vào nước này.

Kể từ khi Mỹ áp đặt các biện pháp cấm vận lên Iran, không có dữ liệu chính thức nào về hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran, hay số lượng nhập khẩu của một số nước.

Tuy nhiên, các công ty theo dõi sự di chuyển của các tàu chở dầu quốc tế đã đưa ra bằng chứng rõ ràng rằng Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu dầu chính của Iran.

Theo số liệu của Platts và Bloomberg, trong nửa cuối của năm 2019, Trung Quốc đã nhập khẩu trung bình 225.000 thùng dầu thô và khí ngưng tụ/ngày từ Iran, chiếm 81% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Iran. Con số này trong nửa đầu của năm 2019 là 400.000 thùng/ngày, chiếm 43%.

Nếu Trung Quốc cung cấp các khoản tín dụng cho Iran theo thỏa thuận đối tác mới, Bắc Kinh có thể sẽ tăng lượng dầu nhập khẩu từ Iran, đặc biệt là nếu Tehran chiết khấu cao cho đối tác này.

Các giao dịch “đổi tín dụng lấy dầu” đang ở trong "vùng xám" của các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Trung Quốc và Nga vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu thô từ Venezuela - một hoạt động khác bị cấm bởi lệnh cấm vận của Mỹ, với lý do đây là số hàng mà quốc gia Mỹ Latinh này trả nợ cho các khoản vay từ hai nước này.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc tăng khối lượng nhập khẩu dầu thô từ Iran có thể sẽ kích động chính quyền Tổng thống Trump và thúc đẩy các biện pháp trả đũa mạnh mẽ hơn từ Washington nếu Tổng thống Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lọc dầu trên khắp châu Á đang cảnh giác với diễn biến mới này. Sự tăng trưởng liên tục về năng lực lọc dầu của Trung Quốc trong thập kỷ qua, ngay cả khi nhu cầu dầu mỏ đang sụt giảm do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đã khiến nhiều doanh nghiệp lọc dầu trong khu vực không khỏi lo lắng.

Do công suất lọc dầu tăng mạnh hơn so với nhu cầu nhiên liệu trong nước nên Trung Quốc đang trở thành nước xuất khẩu các sản phẩm tinh chế. Điều này tạo ra áp lực về biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp lọc dầu ở những nơi khác của châu Á.

Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu thô và tiêu thụ dầu lớn thứ hai ở châu Á sau Trung Quốc, cũng đang cạnh tranh để giành chỗ đứng ở Iran. Nếu Ấn Độ bị gạt ra khỏi các dự án phát triển cảng hoặc khai thác năng lượng ở Iran, điều đó có thể làm gia tăng căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh.

Trong nhiều năm qua, Ấn Độ đã để mắt đến một đường ống dẫn khí đốt từ Iran cho dù dự án này đã bị gián đoạn nhiều lần. “Gã khổng lồ” Nam Á vẫn muốn giúp Iran khai thác dầu khí, từ đó lấp đầy khoảng trống được tạo ra sau sự rút lui của các công ty phương Tây.

Cuối cùng, sự gia tăng đáng kể về khối lượng dầu thô xuất khẩu của Iran có thể cản trở chiến lược hạn chế nguồn cung dầu thô của các nước trong và ngoài OPEC, vốn đang giúp cân bằng trong bối cảnh nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm nay đã sụt giảm chưa từng thấy.

Lượng dầu thô xuất khẩu gia tăng từ Iran sẽ khiến một số nước thành viên OPEC phải giảm bớt thị phần của mình, từ đó gây ra căng thẳng mới trong tổ chức các nước sản xuất và xuất khẩu dầu thô này.

Trong bối cảnh đó, trục Trung Quốc-Iran mới (hay còn gọi là "Chiran") có thể trở thành một nhân tố gây bất ổn khác trong thế giới vốn đã đầy rẫy bất ổn. Trực tiếp hoặc gián tiếp, các tác động của "Chiran" chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại trong lĩnh vực dầu mỏ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục