Sáng 7/10, tiếp tục Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.
Dự thảo luật gồm 3 điều: Điều 1 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân (gồm 60 khoản); Điều 2 quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan (gồm 2 khoản); Điều 3: quy định về hiệu lực thi hành của luật.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân; cơ bản tán thành 3 quan điểm xây dựng luật.
Đồng thời, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung và nhấn mạnh quan điểm luật chỉ bổ sung hoặc luật hóa các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội và phải thực sự cần thiết, xác đáng, thống nhất với bố cục của luật hiện hành; không đưa vào luật hoặc luật hóa các vấn đề, quy trình, thủ tục thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Những nội dung cần quy định linh hoạt để phù hợp với yêu cầu thực tiễn thì nên giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định; đối với các chính sách mới cần có đánh giá tác động đầy đủ, cho thấy hiệu quả, phù hợp thì mới quy định vào luật.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh giám sát phải đúng, trúng, trọng tâm, trọng điểm những vấn đề Đảng, cử tri và nhân dân đặt ra cho Quốc hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hằng năm, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đều có các chuyên đề giám sát. Hội đồng Nhân dân các cấp, Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương cũng tiến hành giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội; việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV này, công tác giám sát rất được quan tâm.
"Giám sát phải làm cho đối tượng được giám sát 'tâm phục, khẩu phục' thông qua việc Đoàn giám sát chỉ ra được điểm mạnh, hạn chế cũng như giải pháp để thực hiện trong thời gian tới," Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý quan trọng nhất là hậu giám sát, khi Đoàn giám sát rút ra những kiến nghị, đề xuất phải có địa chỉ và thời gian nhất định, ai làm và bao giờ thực hiện xong.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần rà soát sự phù hợp của dự thảo luật với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân không chồng chéo với các giám sát, thanh tra của các cơ quan khác. Hoạt động giám sát của Quốc hội vừa phải bám sát, đáp ứng nhu cầu của xã hội, tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của nhân dân và cử tri, vừa phải gắn với công tác lập pháp.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung làm rõ, hoàn chỉnh hơn các khái niệm về giám sát tối cao, giám sát chuyên đề, giám sát của Quốc hội, giám sát của Hội đồng Nhân dân, trong đó, phải giải thích rõ ràng, thống nhất cách hiểu, phân biệt để khi ban hành thấy rõ luật đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng ngắn gọn, tập trung, trọng tâm, trọng điểm, dễ hiểu, dễ thực hiện và dễ giám sát. Đồng thời, xác định đầy đủ các nguyên tắc cần thiết trong hoạt động giám sát, vấn đề lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm cũng như các tiêu chí chọn nội dung giải trình.
Về phạm vi sửa đổi, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát quan điểm chỉ đạo xây dựng luật, nhất là các quan điểm về đổi mới để rà soát luật hóa các nội dung cho phù hợp, đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các nội dung còn vướng mắc, bất cập, những tư tưởng mới.../.
Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp thứ 38 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng 7/10/2024, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.