Chưa biết đến bao giờ Thái Lan mới 'sóng yên biển lặng'?

Thái Lan sẽ tổ chức một cuộc bầu cử vào ngày 24/3. Đây sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi giới tướng lĩnh quân đội lật đổ chính phủ dân cử hồi năm 2014 sau khi bùng phát các cuộc biểu tình bạo lực.
Chưa biết đến bao giờ Thái Lan mới 'sóng yên biển lặng'? ảnh 1Ngày 6/1, tuần hành ở thủ đô Bangkok phản đối hoãn tổng tuyển cử. (Nguồn: AFP/TTXVN)

AFP đưa tin sau gần 5 năm theo chế độ quân chủ lập hiến, Thái Lan sẽ tổ chức một cuộc bầu cử vào ngày 24/3 tới.

Đây sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi giới tướng lĩnh quân đội lật đổ chính phủ dân cử hồi năm 2014 sau khi bùng phát các cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố.

Dưới đây là những vấn đề nổi cộm suốt 2 thập kỷ hỗn loạn trong nền chính trị Thái Lan.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy

Sau khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á diễn ra, Thaksin Shinawatra - ông chủ tập đoàn kinh doanh viễn thông khổng lồ - đã gia nhập chính trường Thái Lan thông qua việc theo đuổi làn sóng dân túy và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2001.

Đảng Thai Rak Thai (Người Thái yêu người Thái) của ông cam kết sẽ giúp nền kinh tế và y tế đất nước trở nên ổn định, xóa nợ cho nông dân và thiết lập các quỹ phát triển cho các khu vực nông thôn.

Những làn sóng từ cuộc khủng hoảng tài chính đã mang lại cơ hội cho ông.

Nhà sử học người Thái Chris Baker cho biết các chính trị gia khác “không có nhiều uy tín vào thời điểm này. Đây là cơ hội tuyệt vời để Thaksin trỗi dậy.”

Sau nhiều năm nền chính trị Thái Lan bị nhấn chìm trong các cuộc đảo chính, Chính phủ của Thaksin đã trở thành chính quyền dân sự dân cử đầu tiên hoàn tất nhiệm kỳ 4 năm của mình.

Tuy nhiên, một “cuộc chiến chống ma túy” gây tranh cãi đã khiến 2.500 người thiệt mạng, trong khi đó số lượng người Hồi giáo thiệt mạng trong các cuộc đàn áp của lực lượng an ninh ở phía Nam cũng châm ngòi cho một cuộc nổi dậy mới.

[Thủ tướng Thái Lan tuyên bố sẽ không từ chức trước cuộc tổng tuyển cử]

Ông Thaksin chiếm ưu thế trong các cuộc bầu cử hồi năm 2015, nhưng chiến thắng của ông lại chỉ tồn tại rất ngắn ngủi. Chiếc ghế thủ tướng của ông bị nhấn chìm bởi vụ bê bối tài chính và những cuộc biểu tình của người dân.

Ông Thaksin kêu gọi một cuộc bầu cử khác vào năm 2016, song đã bị dập tắt chỉ vài tháng sau đó bởi một cuộc đảo chính.

Thập kỷ mất mát

Bạo lực đã sớm thống trị vũ đài chính trị, điển hình là việc Bangkok rơi vào vòng xoáy của các cuộc biểu tình, bạo loạn - bao gồm một cuộc phong tỏa các sân bay của thành phố - và các cuộc biểu tình hồi năm 2008.

Chưa biết đến bao giờ Thái Lan mới 'sóng yên biển lặng'? ảnh 2Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra tại New York (Mỹ) năm 2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau khi ông Thaksin phải sống lưu vong và những người kế vị ông bị tòa án phế truất, Chính phủ của (cựu Thủ tướng) Abhisit Vejjajiva đã phải đấu tranh vì tính hợp pháp sau khi được thành lập mà không có một sự ủy thác công khai.

Ông Thaksin bị kết án với tội danh mà ông cho là vì động cơ chính trị và phải chọn cuộc sống lưu vong. Lực lượng đứng về phía hoàng gia, còn được gọi là phe “Áo vàng,” đối đầu trên phố với phe “Áo đỏ” ủng hộ Thaksin.

Năm 2010, hơn 90 người đã bị thiệt mạng khi quân đội - dẫn đầu bởi lãnh đạo chính quyền đương nhiệm của Thủ tướng Prayut Chan-ocha - đã nổ súng về phía phe “Áo đỏ” tập trung tại trung tâm Bangkok.

Trung tâm thành phố rực cháy trong những ngày hỗn loạn. Các nhà sử học gọi giai đoạn từ năm 2006 là “thập kỷ mất mát” của Thái Lan, trong bối cảnh nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á bị chững lại trong thời kỳ tê liệt chính trị.

Những năm bùng phát biểu tình chứng kiến sự phân chia xã hội sâu sắc giữa tầng lớp nghèo khổ, tầng lớp trung lưu giàu có hơn và tầng lớp thượng lưu - tầng lớp thượng lưu chủ yếu tập trung ở Bangkok.

Paul Chambers, giảng viên tại Đại học Naresuan của Thái Lan, nói: “Các cử tri thành thị đã liên minh với các quan chức cấp cao và quý tộc. Do đó, sự chia rẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn.”

Em gái hành động

Cuộc bầu cử mới vào năm 2011 chứng kiến em gái của Thaksin là Yingluck Shinawatra nổi lên và trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan, nắm giữ quyền lực với những lời cam kết sẽ "nâng đỡ" những người nghèo ở nông thôn.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình nổ ra giữa chừng trong bối cảnh Yingluck đang cố gắng tìm một lệnh ân xá cho anh trai của mình.

"Cơn sốt" lên đến đỉnh điểm vào năm 2014 khi hàng chục nghìn người biểu tình phản đối cam kết sẽ khiến Bangkok ngừng hoạt động cho đến khi Yingluck từ chức và dòng họ Shinawatra bị loại ra khỏi nền chính trị Thái Lan.

Bà Yingluck kêu gọi một cuộc bầu cử để phá vỡ thế bế tắc, nhưng số người thiệt mạng trên đường phố vẫn gia tăng và cuộc bỏ phiếu bị hủy bỏ.

Các tướng lĩnh trở lại

Bà Yingluck bị cáo buộc liên quan đến một bê bối trợ cấp gạo cho các khu vực nông thôn rồi bị cách chức.

Chưa biết đến bao giờ Thái Lan mới 'sóng yên biển lặng'? ảnh 3Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra trả lời báo giới sau phiên tòa ở Bangkok ngày 19/5/2015. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Năm 2014, quân đội tuyên bố áp đặt thiết quân luật dưới danh nghĩa mang lại sự ổn định cho một quốc gia bị tê liệt và sau đó thực hiện cuộc đảo chính thành công lần thứ 12 kể từ năm 1932.

Nhà lãnh đạo Prayut lãnh đạo một cuộc đàn áp bất đồng chính kiến và mở rộng quyền lực của mình, sau đó giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 liên quan đến việc thay đổi Hiến pháp.

Trong bối cảnh biến động, Quốc vương Bhumibol Adulyadej tôn kính, người được coi là một nhân vật đoàn kết hiếm hoi trong triều đại kéo dài 7 thập kỷ qua, đã qua đời năm 2016. Thái Lan chìm trong tang tóc trong bối cảnh nền chính trị bị "đóng băng" nghiêm trọng.

Đối mặt với một bản án tù, bà Yingluck trốn khỏi đất nước vào tháng 8/2017 và cùng anh trai sống lưu vong. Chính quyền cam kết tổ chức các cuộc bầu cử nhưng vẫn trì hoãn nhiều lần.

Cuối cùng, ngày 23/1, thông báo cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 24/3 cũng đã được đưa ra. Tuy nhiên, các quan chức cảnh báo rằng nền dân chủ của Thái Lan sẽ không giống nhau sau nhiều năm bị chế độ quân chủ cai trị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục