CMF: Kinh tế Trung Quốc đang hồi phục tương đối mạnh mẽ và vững

Sau khi trải qua giai đoạn đầu tiên của quá trình hồi phục kinh tế, Trung Quốc đang bước giai đoạn hồi phục tiếp theo với việc thúc đẩy nhu cầu và vòng chu chuyển của nền kinh tế.
CMF: Kinh tế Trung Quốc đang hồi phục tương đối mạnh mẽ và vững ảnh 1Công nhân làm việc bên trong một nhà máy ở Du Bắc, tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo một báo cáo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế vĩ mô Trung Quốc (CMF), kinh tế Trung Quốc đang cho thấy những dấu hiệu về một sự hồi phục tương đối mạnh mẽ và vững và sẽ có mức tăng trưởng dương từ quý 2/2020 trở đi.

CMF dự kiến kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng lần lượt 2,5%, 6,5% và 7,5% trong quý 2, 3 và 4 của năm 2020.

Sau khi trải qua giai đoạn đầu tiên của quá trình hồi phục kinh tế thông qua khôi phục sản xuất và nguồn cung, Trung Quốc đang bước giai đoạn hồi phục tiếp theo với việc thúc đẩy nhu cầu và vòng chu chuyển của nền kinh tế.

[Trung Quốc: Chính sách tài chính “tinh chỉnh” củng cố hồi phục kinh tế]

Với vai trò là một trong những nền kinh tế đầu tiên trên thế giới kiểm soát được dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và tái khởi động nền kinh tế, sự hồi phục và tái củng cố các nền tảng kinh tế của Trung Quốc mang lại một định hướng quan trọng đối với kinh tế thế giới.

Theo CMF, kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng khoảng 3% trong cả năm 2020, với sự hỗ trợ từ các chính sách và đợt cải cách mới của chính phủ nước này.

Tuy vậy, báo cáo của CMF cũng khuyến cáo rằng thay vì sự gián đoạn chuỗi cung cấp, nhu cầu yếu kém đang trở thành rào cản lớn nhất đối với sự hồi phục kinh tế của Trung Quốc.

CMF hối thúc Trung Quốc cần thực hiện những nỗ lực để thúc đẩy nhu cầu nội địa và khôi phục chu kỳ thị trường định kỳ.

Ngoài ra, CMF cũng lưu ý tới những rủi ro và thách thức khác như các bất ổn trong diễn biến của dịch COVID-19, môi trường bên ngoài phức tạp và sự giảm tốc của tăng trưởng kinh tế tiềm năng.

Liu Xiaoguang, một nhà nghiên cứu hợp tác với Đại học Nhân dân Trung Hoa -một trong những nhà bảo trợ của CMF, cho rằng thay vì các mục tiêu định lượng ngắn hạn, các chính sách kinh tế của Trung Quốc nên tập trung vào những thay đổi cơ cấu trung hạn và dài hạn để tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế bền vững trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục