Cơ hội mới để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên

Trong bối cảnh đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên vẫn tiếp tục bế tắc, lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ dự kiến sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo vào tháng 6 tới.
Cơ hội mới để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ 4, phải) thị sát một cơ sở hạt nhân của nước này tại Bình Nhưỡng ngày 3/9/2017. (Ảnh: Reuters/ TTXVN)

Trong bối cảnh đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên vẫn tiếp tục bế tắc, lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ dự kiến sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo vào tháng 6 tới.

Về cơ bản, đối thoại Mỹ-Triều đã không có bất cứ tiến triển nào kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ hôm 11/4 vừa qua tại Washington. Thay vào đó, cuộc đối đầu giữa Washington và Bình Nhưỡng càng trở nên căng thẳng hơn khi Mỹ ra quyết định bắt giữ tàu chở hàng của Triều Tiên.

Theo đó, dư luận hết sức quan tâm liệu lãnh đạo Hàn-Mỹ sẽ đưa ra những động thái nào để khôi phục động lực đối thoại phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Đài phát thanh KBS của Hàn Quốc hôm 16/5 đã có bài phân tích nhận định về tác động của sự kiện này tới nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên, nội dung như sau: Tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ ở Washington vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề xuất kế hoạch xúc tiến tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ tư.

Đáp lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự ủng hộ và chuyển thông điệp của Tổng thống Moon Jae-in cho Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên Kim Jong-un.

Trong cuộc điện đàm của lãnh đạo Hàn-Mỹ sau vụ phóng tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên hôm 7/5, Tổng thống Trump cũng bày tỏ lập trường ủng hộ kế hoạch của Seoul về viện trợ nhân đạo lương thực cho Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, hôm 9/5, Mỹ đã ra lệnh bắt giữ tàu chở hàng "Wise Honest" của Triều Tiên. Đáp trả động thái này của Mỹ, Triều Tiên đã chỉ trích bằng các từ ngữ hết sức mạnh mẽ như "kẻ cướp."

[Đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên: Vẫn "rối như mớ bòng bong"?]

Nhiều ý kiến cho rằng đối thoại Mỹ-Triều khó có thể được nối lại sau hàng loạt sự kiện trên. Song, cũng có một vài khía cạnh tích cực được chỉ ra. Đó là cả Washington và Bình Nhưỡng đều cho thấy ý định không muốn phá vỡ khung đàm phán.

Tổng thống Moon Jae-in đánh giá động thái phóng tên lửa của Triều Tiên vừa qua chỉ ở mức độ vừa phải. Bên cạnh đó, Mỹ cũng không đưa ra bất cứ phản ứng nào trước những chỉ trích mạnh mẽ của Triều Tiên về việc bắt giữ tàu chở hàng "Wise Honest."

Theo đó, vấn đề quan trọng là tình hình sẽ có những biến đổi thế nào trong một tháng tới, cho đến thời điểm Tổng thống Trump thăm Hàn Quốc. Khoảng thời gian này có thể mang đến cơ hội để Tổng thống Moon Jae-in thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngồi vào bàn đàm phán. Và đây cũng có thể là thời cơ tốt để Kim Jong-un xác định được tâm ý của Washington từ thông điệp của Trump.

Không những thế, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng có thể gửi gắm những thông điệp đến Mỹ thông qua Tổng thống Hàn Quốc. Nếu Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tiếp theo có thể diễn ra trước thời điểm Tổng thống Trump thăm Hàn Quốc, điều này sẽ tiếp thêm động lực cho phương thức đàm phán "từ trên xuống."

Sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội không đạt được thỏa thuận nào, phương thức đàm phán "từ trên xuống" đã vấp phải nhiều ý kiến tiêu cực cho rằng phương thức này có nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng đối với một vấn đề phức tạp như đối thoại Mỹ-Triều, phương thức "từ trên xuống" là khá hữu ích.

Washington mong muốn phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thể chế nước này. Do dó, vấn đề phức tạp này khó có thể giải quyết nếu không được tiến hành theo phương thức "từ trên xuống". Một vấn đề nữa là phản ứng của Triều Tiên.

Đầu tiên, Triều Tiên đã phản ứng gay gắt về việc Mỹ quyết định bắt giữ tàu chở hàng "Wise Honest." Cùng với đó, Bình Nhưỡng cũng chỉ trích kế hoạch viện trợ lương thực của Seoul là "trò trẻ con."

Trước đó, Triều Tiên cũng từng lên án vai trò trung gian của Tổng thống Moon Jae-in. Có thể nói, nhìn từ bên ngoài, Triều Tiên dường như không quan tâm mấy đến việc đối thoại với Hàn Quốc.

Tuy nhiên, do Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ có thể là một cơ hội tốt cho Triều Tiên, nên nước này có khả năng sẽ chấp thuận nối lại đối thoại liên Triều. Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ tại Seoul trong tháng 6 tới cũng có thể là cơ hội để tái hiện sự thành công hồi năm ngoái từng giúp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất tại Singapore diễn ra suôn sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục