Cố vấn hàng đầu Nhật Bản khuyến cáo thận trọng nới lỏng phòng dịch

Cố vấn Omi một lần nữa nhấn mạnh chỉ nên dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế sau khi tình trạng khẩn cấp hết hiệu lực và số ca mắc COVID-19 giảm xuống một mức nhất định.
Cố vấn hàng đầu Nhật Bản khuyến cáo thận trọng nới lỏng phòng dịch ảnh 1Người dân di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 15/9, ông Shigeru Omi, cố vấn hàng đầu Nhật Bản về COVID-19, khuyến cáo không nên vội vàng nới lỏng các biện pháp chống dịch COVID-19, đồng thời cho rằng chỉ nên thực hiện việc nới lỏng sau khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ.

Phát biểu tại Ủy ban y tế của Hạ viện, cố vấn Omi một lần nữa nhấn mạnh chỉ nên dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế sau khi tình trạng khẩn cấp hết hiệu lực và số ca mắc COVID-19 giảm xuống một mức nhất định. Ông cho rằng số ca bệnh chắc chắn sẽ tăng nếu các biện pháp hạn chế được nới lỏng đột ngột.

Cố vấn Omi cũng cảnh báo cuộc chiến chống COVID-19 có thể sẽ tiếp diễn trong một thời gian dài “khoảng 2 đến 3 năm cho đến khi người dân không còn phải lo lắng về dịch bệnh," giống như bệnh cúm hiện đã có vaccine và thuốc điều trị.

Cố vấn Omi đưa ra các nhận định trên tại thời điểm Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực nhằm nới lỏng các biện pháp hạn chế vào khoảng tháng 11 tới, với mục tiêu hoàn thành việc tiêm chủng cho tất cả người dân có nguyện vọng được chủng ngừa đến thời điểm đó.

Kế hoạch nới lỏng của chính phủ bao gồm việc cho phép các nhà hàng bán đồ uống có cồn, cho phép người dân di chuyển giữa các tỉnh thành cũng như cho phép tổ chức các sự kiện lớn có nhiều người tham dự hơn ngay cả khi tình trạng khẩn cấp vẫn còn hiệu lực.

Cũng trong khuôn khổ cuộc họp trên, Bộ trưởng Y tế Norihisa Tamura cho biết số ca mắc mới COVID-19 trên toàn Nhật Bản đang giảm mạnh. Tuy nhiên, chính phủ nước này vẫn cảnh giác trước khả năng bùng phát "làn sóng dịch bệnh thứ sáu" khi trẻ em trở lại trường học trong tháng này cũng như khi các hoạt động xã hội tăng dần về cuối năm.

Tuần trước, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định duy trì tình trạng khẩn cấp đến hết ngày 30/9 tại 19 trong số 47 tỉnh trên cả nước trong bối cảnh hệ thống y tế vẫn đang chịu nhiều áp lực do số lượng bệnh nhân COVID-19 nhập viện cao.

Số liệu thống kê của chính phủ cho thấy hơn 50% dân số nước này đã được tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19 và hơn 60% dân số dự kiến sẽ được tiêm đủ liều vào cuối tháng Chín này.

[Dịch COVID-19: Nhật Bản phát hiện 18 ca nhiễm biến thể Eta]

Tại Mỹ, làn sóng dịch COVID-19 mới nhất do biến thể Delta có tốc độ lây lan cao gây ra có thể sớm đạt đỉnh, song các chuyên gia cảnh báo không nên chủ quan quá sớm, đồng thời dự báo COVID-19 sẽ trở thành căn bệnh đặc hữu trong những năm tới.

Theo thống kê của tổ chức Covid Act Now chuyên theo dõi số liệu dịch COVID-19 tại Mỹ, số ca mắc mới trung bình mỗi ngày trong vòng một tuần tính đến ngày 13/9 là 172.000 ca. Đây là mức cao nhất ghi nhận trong đợt bùng phát dịch lần này, cho dù tốc độ gia tăng số ca bệnh đang chậm lại và số ca mắc đang giảm dần ở hầu hết các bang. Ngoài ra, vẫn có tới hơn 1.800 ca tử vong mỗi ngày và hơn 100.000 ca bệnh nặng phải nhập viện vì COVID-19.

Cố vấn hàng đầu Nhật Bản khuyến cáo thận trọng nới lỏng phòng dịch ảnh 2Học sinh chơi đùa sau giờ học tại một trường công lập ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bhakti Hansoti, Phó giáo sư tại Đại học John Hopkins, đồng thời là chuyên gia nghiên cứu các ca COVID-19 nặng, cho biết bà nhận thấy tình hình dịch bệnh tại Mỹ đang đi theo một quỹ đạo tương tự như Ấn Độ. Các nước ở Tây Âu cũng đã chứng kiến xu hướng số ca mắc mới giảm trong các đợt bùng phát dịch có liên quan đến biến thể Delta. Tuy nhiên, nữ chuyên gia này cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ dịch bệnh tăng cao trở lại khi thời tiết trở lạnh vào mùa Đông.

Trong khi đó, nhà virus học Angela Rasmussen tại Đại học Saskatchewan ở Canada nhận định chưa chắc làn sóng dịch thứ tư tại Mỹ đã kết thúc. "Nếu nhìn vào làn sóng dịch mùa Thu-Đông, đã có những giai đoạn (số ca mắc mới) tăng theo cấp số nhân, sau đó dường như giảm xuống nhưng rồi lại chứng kiến một đợt gia tăng khác."

Theo bà, để đảm bảo giữ vững các thành quả chống dịch đã đạt được, điều quan trọng hiện nay là tăng tốc tiêm chủng cho người dân.

Hiện có 63,1% trong tổng số người tại Mỹ đủ điều kiện trên 12 tuổi để được tiêm chủng đầy đủ, chiếm 54% dân số. Tỷ lệ này vẫn thấp hơn nhiều so với con số 81% và 79% dân số đã tiêm đủ liều tại Bồ Đào Nha và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden tuần trước đã công bố một số biện pháp mới để tăng cường chiến dịch tiêm chủng, trong có việc yêu cầu tổ chức tiêm vaccine đối với với các công ty có trên 100 nhân viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục