Mới đây, Cơ quan Thuế Mỹ (Internal Revenue Service, IRS) đã nhận được sự đồng thuận của Tòa án Thuế Mỹ (U.S. Tax Court) và thành công trong việc sử dụng "phương pháp so sánh lợi nhuận" để buộc tập đoàn Coca-Cola phải thực hiện nghĩa vụ thuế trị giá hơn 3,3 tỷ USD do báo cáo thu nhập không đầy đủ thông qua việc chuyển doanh thu sang cho các công ty con tại nước ngoài.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Malaysia, bà Becky Nguyễn, Cố vấn cao cấp về thị trường quốc tế của tập đoàn tư vấn tài chính toàn cầu chuyên cung cấp các giải pháp về quản trị thuế quốc tế hàng đầu thế giới Duff & Phelps có trụ sở tại New York (Mỹ), cho biết thực tiễn này đã chỉ ra một cách tiếp cận hoàn toàn khả thi trong khuôn khổ luật pháp của Việt Nam về vấn đề chuyển giá trong các tình huống tương tự.
Ông Douglas Fone, Tổng Giám đốc phụ trách dịch vụ giá chuyển nhượng của Duff & Phelps LLC, cũng bày tỏ sự đồng tình với nhận định, phân tích trên của bà Becky Nguyễn về vấn đề này.
Phán quyết lịch sử
Ngày 18/11/2020, Tòa án Thuế Mỹ đã ra phán quyết cho rằng Coca-Cola đã chuyển quá nhiều lợi nhuận cho các hoạt động ở nước ngoài như Brazil, Mexico, Ireland, Chile, Costa Rica…thay vì công ty mẹ trong nước bị đánh thuế cao hơn.
Theo phán quyết, Coca-Cola sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thuế trị giá hơn 3,3 tỷ USD phát sinh do báo cáo thu nhập không đầy đủ, bằng cách chuyển doanh thu sang cho các công ty con tại nước ngoài nơi có mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn tại Mỹ. Đây được cho là phán quyết lịch sử, đánh dấu một bước lùi cho chiến lược thuế quốc tế của "gã khổng lồ" đồ uống toàn cầu.
Bà Becky Nguyễn cho biết thêm phán quyết nêu trên được đưa ra trên cơ sở thanh tra các tờ khai quyết toán thuế từ năm 2007 đến năm 2009 của Coca-Cola. Sau đó, cơ quan chức năng Mỹ xác định rằng phương pháp xác định giá chuyển nhượng của công ty này không phù hợp với “nguyên tắc giá thị trường”.
Theo quy định, "nguyên tắc giá thị trường" hay “nguyên tắc giá giao dịch độc lập” yêu cầu giá chuyển nhượng trong các giao dịch trong nội bộ tập đoàn phải tương đồng với giá trị sẽ được áp dụng giữa các bên độc lập trong điều kiện tương tự. Vì Coca-Cola đã cho phép các công ty nước ngoài hưởng quá nhiều lợi ích thông qua việc cho phép họ sử dụng tài sản vô hình của mình, cho nên Coca-Cola được cho là đã vi phạm nguyên tắc này. Do vậy, IRS đã tính toán lại thu nhập cho Coca-Cola bằng cách sử dụng "phương pháp so sánh lợi nhuận", trong đó sử dụng lợi nhuận của các công ty đóng chai độc lập của Coca-Cola để so sánh.
Bà Becky Nguyễn nhấn mạnh: “Thành công trong việc sử dụng ‘phương pháp so sánh lợi nhuận’ của cơ quan thuế Mỹ đã chỉ ra một cách tiếp cận hoàn toàn khả thi trong khuôn khổ luật pháp của Việt Nam về vấn đề chuyển giá trong các tình huống tương tự. Đây có thể là kinh nghiệm quý báu đối với cả cơ quan thuế và các doanh nghiệp tại Việt Nam”.
Làm thế nào để áp dụng hiệu quả “phương pháp so sánh lợi nhuận”?
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế Việt Nam, năm 2019, Tổng cục Thuế đã thanh tra tại một số doanh nghiệp trong đó có Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola và doanh nghiệp này bị truy thu và xử phạt hơn 821,4 tỷ đồng. Vụ việc được đăng tải trên bnews.vn ngày 10/1/2020. Sau đó ngày 15/1/2020, ông Peeyush Sharma, Tổng Giám đốc Coca-Cola Việt Nam, cho biết: “Danh tiếng của Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam là điều rất quan trọng, do vậy công ty tuyệt đối không thực hiện các hành động gian lận hay trốn thuế, những việc có thể gây tổn hại đến danh tiếng công ty.”
Theo bà Becky Nguyễn, cái khó để chứng minh chuyển giá là cơ quan thuế không có cơ sở so sánh, đối chiếu giá nguyên liệu với các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề. Nguyên nhân là nguyên liệu là do công ty mẹ độc quyền cung cấp. Đồng thời, cơ quan thuế cũng không thể lấy chi phí nguyên phụ liệu của doanh nghiệp Việt Nam cùng ngành nghề để so sánh vì đây là doanh nghiệp đặc thù. Dẫu vậy, “phương pháp so sánh lợi nhuận" có thể khắc phục được những hạn chế nêu trên thông qua tập trung vào việc so sánh tỷ suất lợi nhuận của các công ty độc lập. Trong khi đó, dữ liệu về tỷ suất lợi nhuận công ty thường sẵn có hơn rất nhiều so với dữ liệu về giá nguyên liệu.
[Coca-Cola Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế]
Cụ thể, phán quyết dài 244 trang của Tòa án Thuế Mỹ ghi nhận một danh sách gồm 24 công ty độc lập chuyên đóng chai đồ uống cho Coca-Cola Mỹ, bao gồm 7 công ty tại châu Á và 17 công ty tại châu Mỹ, do IRS thu thập. Nhằm mục đích điều chỉnh thu nhập chịu thuế của Coca Cola tại Mỹ, dữ liệu của các công ty độc lập tại châu Mỹ đã được sử dụng, trên cơ sở lập luận là tương đồng về điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, danh sách các công ty tại châu Á lại có một ý nghĩa đặc biệt cho các cơ quan thuế tại châu lục này. Theo đó, danh sách này chỉ rõ trong năm 2007-2009, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản của các công ty độc lập chuyên đóng chai cho Coca-Cola tại châu Á lần lượt như sau:
1. Mikuni Coca-Cola Bottling Co., Ltd. (Nhật Bản): 7,4%
2. Coca-Cola West Holdings Company, Ltd. (Nhật Bản): 4,8%
3. Shikoku Coca-Cola Bottling Co., Ltd. (Nhật Bản): 3,7%
4. Haad Thip Public Company Ltd. (Thái Lan): 2,9%
5. Hokkaido Coca Cola Bottling Co., Ltd. (Nhật Bản): 1,6%
6. Beijing Coca-Cola Beverage Co. Ltd. (Trung Quốc): 13,0%
7. Coca-Cola Central Japan Co. Ltd. (Nhật Bản): 4,7%
Như vậy, các công ty độc lập chuyên đóng chai cho Coca-Cola tại châu Á, đạt tỷ suất lợi nhuận trên tài sản trong một khoảng với giá trị nhỏ nhất từ 1,6% đến giá trị lớn nhất là 13%; giá trị trung bình là 5,4%, còn giá trị trung vị theo thuật ngữ chuyên môn là 4,7%, trong giai đoạn 2007-2009. Đây là một bằng chứng quan trọng chỉ ra rằng nếu tuân thủ đúng "nguyên tắc giá thị trường", các công ty chuyên đóng chai khác cho Coca-Cola tại châu Á cần ghi nhận một tỷ suất lợi nhuận trong biên độ này. Nếu không, đó sẽ được coi là hành vi vi phạm “nguyên tắc giá trị trường” và bị xử phạt về thuế theo quy định.
Tuy nhiên, bà Becky Nguyễn lưu ý: Để có thể áp dụng “phương pháp so sánh lợi nhuận” hay trong hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và quy định của Việt Nam là “phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận” một cách phù hợp và đáng tin cậy, cần phải đảm bảo một số điều kiện so sánh. Quan trọng nhất là chức năng hoạt động, tài sản sử dụng và rủi ro gánh chịu của doanh nghiệp, tức là chức năng hoạt động, tài sản và rủi ro của các công ty độc lập phải được chứng minh là tương đồng với chức năng hoạt động, tài sản và rủi ro của công ty mà chúng ta muốn kiểm tra.
Ngoài ra, có thể xem xét đến sự tương đồng về điều kiện của hợp đồng như cùng là hợp đồng gia công sản xuất hay điều kiện thị trường như cùng hoạt động tại thị trường châu Á.
Ông Tu Ha, Đại diện của tập đoàn Duff & Phelps tại Hà Nội, bổ sung rằng trong một số trường hợp đặc thù, việc mở rộng tiêu chí để tìm kiếm được đối tượng so sánh phù hợp được cho phép, nhưng cần phải được cân nhắc đến khả năng giải trình và định lượng các khác biệt giữa công ty được đưa ra so sánh và công ty cần kiểm tra, nếu có.
Yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp
Bà Becky Nguyễn cho biết, tiền lệ Coca-Cola tại Mỹ cho thấy các doanh nghiệp đa quốc gia và cả các tập đoàn trong nước đều cần rà soát lại chính sách giá chuyển nhượng trong nội bộ để đảm bảo rằng chính sách đó tuân thủ những quy định mới nhất về giá thị trường tại Việt Nam và toàn cầu, cũng như tối ưu hóa chi phí về thuế cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Tu Ha lưu ý rằng việc một công ty mẹ ở Mỹ cũng bị thực hiện ấn định về chuyển giá bằng phương pháp so sánh lợi nhuận cũng cho thấy rủi ro về chuyển giá không chỉ xảy ra ở các công ty con được thành lập ở các nước nhận đầu tư. Và do đó áp lực phải đảm bảo một hệ thống quản lý rủi ro chuyển giá, chính sách chuyển giá cân đối lợi ích các bên và cập nhật liên tục là yêu cầu thường trực ở cả bên đầu tư và bên nhận đầu tư.
Theo bà Becky Nguyễn, những lỗi thường gặp về chính sách giá chuyển nhượng có thể bao gồm: Không có chính sách giá bằng văn bản cụ thể, hoặc hợp đồng đã hết thời hạn, hoặc không có hợp đồng giữa các công ty trong tập đoàn bằng văn bản hoặc các hợp đồng này không phản ánh trung thực chính sách giá thực tế áp dụng, không giải thích được cơ sở/công thức tính chi phí, cung cấp dịch vụ hoặc bán hàng hóa cho bên liên kết nhưng không tính doanh thu, chuyển giao tài sản hữu hình/vô hình mà không thực hiện định giá, trả chi phí dịch vụ quá cao, không hợp lý cho bên liên kết, và giảm giá/chiết khấu đặc biệt cho các bên liên kết so với bên độc lập mà không có cơ sở...
Những giao dịch có rủi ro về giá chuyển nhượng cao như nhập khẩu nguyên phụ liệu, nhập khẩu máy móc/tài sản, chi phí lãi vay, chi phí bản quyền, chi phí quảng cáo... có nguy cơ cao bị kiểm tra. Cho nên, các doanh nghiệp cần thiết kế một chính sách giá phù hợp, lập và lưu trữ hồ sơ xác định giá thị trường toàn diện để sẵn sàng giải trình với cơ quan thuế trong các cuộc thanh tra thuế có thể có sắp tới./.