Cuba hy vọng vào hệ thống thanh toán đặc biệt của Liên minh châu Âu

Cuba hy vọng hệ thống thanh toán đặc biệt mà châu Âu thiết lập để đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran sẽ có thể giúp La Habana tránh được lệnh cấm vận của Mỹ.
Cuba hy vọng vào hệ thống thanh toán đặc biệt của Liên minh châu Âu ảnh 1(Nguồn: AFP)

Cuba hy vọng hệ thống thanh toán đặc biệt mà châu Âu thiết lập để đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran sẽ có thể giúp La Habana tránh được những lệnh cấm vận mà Washington áp đặt đối với quốc đảo này.

Sau khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015 bất chấp sự can ngăn của các bên còn lại, Mỹ đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran, đe dọa thỏa thuận quan trọng này.

Trong nỗ lực cứu vớt thỏa thuận, Liên minh châu Âu (EU) đã thiết lập hệ thống thanh toán mang tên "phương tiện mục đích đặc biệt" (SPV) nhằm duy trì dòng chảy thương mại với quốc gia Hồi giáo mà vẫn tránh được các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

EU cũng hy vọng biện pháp này sẽ thuyết phục Iran tiếp tục duy trì thỏa thuận.

Phát biểu với báo giới sau khi gặp gỡ các quan chức EU, quan chức ngoại giao cấp cao của Cuba Rodolfo Reyes cho biết Cuba quan tâm tới hệ thống SPV.

Quan chức này nêu rõ đây có thể là công cụ cho phép các công ty của EU tham gia nhiều hơn nữa vào hoạt động đầu tư nước ngoài và thương mại song phương với Cuba.

Về lý thuyết, SPV cho phép Iran tiếp tục bán dầu cho EU và các công ty EU tiếp tục làm ăn tại Iran. Tuy nhiên, việc thúc đẩy kế hoạch này vẫn gặp khó khăn và một số nhà phân tích nghi ngờ tính hiệu quả của công cụ này.

[Chính phủ Cuba lên án Mỹ gia tăng cấm vận, "bóp nghẹt" nền kinh tế]

SPV được công bố từ tháng Chín nhưng tới nay chưa có nhiều tiến triển. Một số quốc gia EU cũng cho biết sẽ không sử dụng hệ thống này do lo ngại các biện pháp trả đũa của Mỹ. Nhiều công ty lớn đã tuyên bố rút khỏi thị trường Iran.

Hồi đầu tháng này, Mỹ đã thông báo một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm loại các ngân hàng Iran ra khỏi thị trường tài chính quốc tế và hạn chế đáng kể sản lượng dầu xuất khẩu của Tehran.

Thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), được ký kết năm 2015 giữa nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) và Iran.

Tháng Năm vừa qua, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận vì cho rằng thỏa thuận chưa bao gồm các điều khoản hạn chế chương trình phát triển tên lửa của Iran, chưa có các "điều khoản hoàng hôn" áp dụng sau khi thỏa thuận kết thúc...

Theo sau quyết định này, Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt Tehran chia làm hai đợt. Đợt trừng phạt đầu tiên của Mỹ nhằm vào Iran có hiệu lực từ ngày 7/8, nhằm vào lĩnh vực ôtô, giao dịch vàng và các kim loại khác của Iran. Đợt trừng phạt thứ hai, trong đó có trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Iran, có hiệu lực hôm 5/11 vừa qua.

Ngoài những lệnh trừng phạt trên, chính quyền Washington cũng tìm mọi cách để cô lập Tehran, bất chấp sự phản đối của nhiều đồng minh châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục