Cuộc chiến chống COVID-19: Những kỳ tích và “giọt nước tràn ly”

Cuộc chiến chống COVID-19: Những kỳ tích và “giọt nước tràn ly"

Ở giai đoạn 2 của dịch COVID-19 “tấn công” vào bệnh viện với nhiều đối tượng là các bệnh nhân mắc nhiều bệnh lý. Có bệnh nhân 100 tuổi, có nam bệnh nhân, 37 tuổi cân nặng chỉ 30 kg...
Đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế tích cực điều trị cho các ca nhiễm COVID-19. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
Đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế tích cực điều trị cho các ca nhiễm COVID-19. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Hiện nay, số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới vượt qua ngưỡng 20 triệu; trong đó 3 nước là Mỹ, Brazil và Ấn Độ chiếm hơn nửa tổng số ca mắc. Số ca tử vong gần 740.000 người.

Kể từ khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên đến ca bệnh thứ 10 triệu, thế giới trải qua 6 tháng. Tuy nhiên từ ca bệnh 10 triệu đến ca bệnh 20 triệu, chỉ mất có 43 ngày (gần tháng rưỡi). Điều này cho thấy tốc độ lây lan hiện nay rất lớn.

Việt Nam đang trải qua hai giai đoạn của công cuộc phòng chống bệnh COVID-19, với những đặc điểm và tính chất khác nhau hoàn toàn.

Nếu như giai đoạn 1 chủ yếu là các ca bệnh nhập cảnh, Việt Nam đã nỗ lực cứu chữa không để trường hợp nào tử vong thì ở giai đoạn 2, dịch COVID-19 “tấn công” vào bệnh viện với nhiều đối tượng là các bệnh nhân mắc nhiều bệnh lý. Có bệnh nhân 100 tuổi hay nam bệnh nhân 37 tuổi bị đái tháo đường type I, suy tim, suy kiệt nặng, người teo đét, cân nặng chỉ 30 kg…

[Thêm trường hợp bệnh nhân tử vong vì suy thận và mắc COVID-19]

Hơn 10 ngày nay, hầu như ngày nào cũng ghi nhận trường hợp có bệnh nhân tử vong vì COVID-19. Đó là những nỗi xót xa khi các y bác sỹ phải chứng kiến các bệnh nhân với nhiều bệnh lý nền, với sức đề kháng đã suy kiệt lại mắc thêm COVID-19 dẫn đến tử vong.

Những nỗ lực mang lại thành công bước đầu

Giai đoạn 1 của “cuộc chiến” chống COVID-19 khép lại sau chuỗi 99 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ở giai đoạn 1, Việt Nam không có ca bệnh nào tử vong.

Đến ngày 24/7, Việt Nam đã ghi nhận 413 trường hợp mắc bệnh COVID-19; trong đó đã có 365 trường hợp điều trị khỏi, có tổng cộng 272 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với nỗ lực cao nhất của các cơ quan chức năng trong nước, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trên cơ sở nguyện vọng của công dân và năng lực cách ly ở trong nước, theo thống kê của Bộ Ngoại giao, đến ngày 6/8 đã tổ chức được hơn 80 chuyến bay và đưa hơn 21.000 công dân Việt Nam từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước, đảm bảo an toàn cũng như công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đáng chú ý, bệnh nhân trong tình trạng nặng nhất là bệnh nhân 91 (43 tuổi, nam phi công quốc tịch Anh) đã được công bố khỏi bệnh và xuất viện sau 115 ngày điều trị.

Bệnh nhân 91 trong ngày xuất viện về nước:

Bệnh nhân nam phi công người Anh là minh chứng rõ nhất cho thấy các y bác sỹ Việt Nam đã tận tình điều trị trong suốt hơn 100 ngày qua và đã đưa bệnh nhân từ cõi chết trở về.

Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19) đánh giá thành công của ca bệnh 91 là minh chứng cho sự đoàn kết, tập trung trí tuệ, tâm sức của đội ngũ y bác sỹ Việt Nam. "Trong hơn 100 ngày điều trị vừa qua, ở mỗi một giai đoạn, các y bác sỹ đã đưa ra những giải pháp mới phù hợp với diễn tiến sức khỏe bệnh nhân. Điều đáng mừng, những giải pháp này đã mang lại hiệu quả vô cùng tốt khi giờ đây bệnh nhân 91 đã khỏe mạnh, được xuất viện, trở về quê nhà," Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê vui mừng nói.

Trước đó, bệnh nhân 91 nhập viện ngày 18/3/2020 sau khi đến quán bar Buddha - ổ dịch COVID-19 lớn nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tính đến ngày 11/7, bệnh nhân này trải qua 115 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy với 57 ngày chạy ECMO (tim phổi nhân tạo).

Đây là bệnh nhân mắc COVID-19 nặng nhất Việt Nam phải trải qua nhiều giai đoạn điều trị, trong đó có những giai đoạn rơi vào tình trạng “thập tử nhất sinh” nhưng đã được các bác sỹ Việt Nam điều trị khỏi bệnh hoàn toàn.

Bệnh nhân 91 đã có 68 ngày thở máy, hầu hết phải phụ thuộc vào ECMO, có những lúc chức năng phổi của bệnh nhân chỉ còn dưới 9%. Trong khoảng thời gian đó, các chuyên gia cũng tính toán tới việc phải ghép phổi để duy trì sự sống cho bệnh nhân.

Tình trạng của bệnh nhân 91 nhiều lúc tưởng chừng như “ngàn cân treo sợi tóc”. Ngay từ khi mắc COVID-19 cũng như trong quá trình điều trị, bệnh nhân luôn nhận được sự cứu chữa hết mình của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam. Các chuyên gia đầu ngành của các bệnh viện: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Tiểu ban Điều trị - Bộ Y tế đã liên tục theo dõi, hội chẩn không kể ngày đêm... nhằm ứng phó với tình trạng của bệnh nhân cũng như đưa ra các phác đồ điều trị thích hợp.

Cuộc chiến chống COVID-19: Những kỳ tích và “giọt nước tràn ly" ảnh 1Xe cấp cứu chở bệnh nhân vào bệnh viện tại Đà Nẵng. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Từ tình trạng phổi gần như đông đặc, cơ hội cứu sống gần như vô vọng, sau 110 ngày điều trị tích cực, với sự nỗ lực, nhiệt tâm của các y bác sỹ, sự hỗ trợ 24/24 của các chuyên gia từ xa... sức khỏe nam phi công đã hồi phục đầy bất ngờ.

Có thể nói rằng việc giữ cho bệnh nhân 91 sống sót và tránh được ca tử vong đầu tiên ở Việt Nam là kết quả nỗ lực của cả hệ thống, đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam. Kết quả của những nỗ lực phi thường này chính là việc bệnh nhân phi công người Anh của hãng hàng không Vietnam Airlines trở về nước sau quá trình điều trị, hồi phục và xuất viện tại Việt Nam vào ngày 11/7.

Kỳ tích trong y khoa này không chỉ thể hiện sự nỗ lực cứu chữa hết mình của các y bác sỹ, mà còn khẳng định tinh thần nhân văn của người dân Việt Nam với truyền thống "thương người như thể thương thân" từ ngàn đời nay.

Bác sỹ Manish Patel, chuyên gia tư vấn hô hấp và là người chịu trách nhiệm chăm sóc cho bệnh nhân phi công kể từ ngày anh trở về Scotland chia sẻ: "Người ta ví việc phải vào ITU (phòng chăm sóc đặc biệt) giống như một cuộc đua marathon. Trong trường hợp của Cameron, tôi nghĩ anh ta phải chạy rất nhiều vòng."

Bác sỹ Patel đánh giá việc Cameron còn sống được sau khoảng thời gian dài hôn mê và được các bác sỹ Việt Nam cứu chữa thực sự là một điều hiếm có.

Theo chân bác sỹ Trần Thanh Linh vào Khoa cấp cứu bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng:

Huy động tổng lực cho "tâm dịch" Đà Nẵng

Sang giai đoạn 2, từ ngày 25/7, dịch COVID-19 tại Việt Nam có những diễn biến hoàn toàn khác biệt, xuất hiện những ca bệnh trong bệnh viện; trong đó có những người bệnh yếu, nhiều bệnh nền, với số ca bệnh tăng lên nhanh chóng.

Từ ngày 25/7 đến nay là gần 20 ngày có 405 trường hợp mắc bệnh COVID-19, trong đó liên tiếp đã có 17 trường hợp tử vong.

Có mặt tại thành phố Đà Nẵng nhiều ngày nay, Đội Điều trị do Bộ Y tế cử tới với 30 thành viên do Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa (Bộ Y tế) làm đội trưởng đã liên tục làm việc để hỗ trợ công tác điều trị các ca mắc COVID-19 trong tình trạng nặng.

Ông Khoa cho hay điều lo ngại nhất chính là ổ dịch xuất hiện đầu tiên ở các khoa có bệnh nhân nặng, bệnh nhân nhiều bệnh nền như hồi sức cấp cứu, nội thận tiết niệu, nội tổng hợp. Tại những khoa này, trước khi mắc COVID-19 đây đều là những bệnh nhân vốn dĩ đã rất nặng.

“Có những người bị suy thận mạn, có nhiều bệnh lý nền đang được hồi sức, cấp cứu và có tiên lượng tử vong cao nên số bệnh nhân COVID-19 nặng gia tăng rất nhanh. Hiện số ca COVID-19 có tiên lượng tử vong tại Đà Nẵng khá nhiều,” Phó cục trưởng Khoa nhận định.

Cuộc chiến chống COVID-19: Những kỳ tích và “giọt nước tràn ly" ảnh 2Các chuyên gia của Bộ Y tế cắm chốt thường trực để chỉ đạo công tác phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân tại Đà Nẵng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giai đoạn trước, ổ dịch tại Bình Thuận, Vĩnh Phúc, Hà Nội hầu hết ca nhiễm là những người từ nước ngoài về, người không có bệnh nền nên tỷ lệ ca nặng rất ít. Trong khi đợt dịch lần này, số ca nặng rất nhiều và đòi hỏi huy động tổng lực chuyên gia về lĩnh vực hồi sức-cấp cứu từ các bệnh viện đầu ngành của cả nước: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội… cũng như rất nhiều phương tiện vật tư liên quan.

Theo giáo sư Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc điều trị ca bệnh COVID-19 diễn biến nặng, nguy kịch, tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong theo tuổi (qua theo dõi 72.000 bệnh nhân ở Trung Quốc) cho thấy: Tỷ lệ tử vong trên 70 tuổi là 8%; trên 80 tuổi tử vong là 14.9%. Tại Italy, 90% tử vong là bệnh nhân 90 tuổi. Đáng chú ý, nguyên nhân gây tử vong do suy hô hấp là chính, tiếp theo là suy tuần hoàn, suy đa tạng, do mắc từ trước: Tim mạch, suy thận, đái tháo đường, COPD, suy giảm miễn dịch…

“Tại Việt Nam, cá bệnh nhân COVID-19 tử vong đều mang sẵn bệnh lý nền rất nặng, cộng thêm mắc bệnh COVID-19 thì việc tử vong của người bệnh là điều bất khả kháng," Giáo sư Nguyễn Gia Bình phân tích.

Vì thế, nguyên nhân tử vong không khẳng định hoàn toàn do COVID-19, mắc thêm bệnh COVID-19 nữa giống như "giọt nước làm tràn ly”.

Cuộc chiến chống COVID-19: Những kỳ tích và “giọt nước tràn ly" ảnh 3Toàn cảnh phía trong Bệnh viện dã chiến Cung Thể thao Tiên Sơn, Thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Theo đánh giá từ tổ chuyên gia, các bệnh nhân này đã suy các cơ quan quan nội tạng trong quá trình điều trị trước đây, hệ thống miễn dịch, sức đề kháng suy yếu. Có những bệnh nhân suy thận mạn chạy thận chu kỳ trên 10 năm; nhiều bệnh nhân suy tim, ung thư lại cao tuổi, nay mắc thêm COVID-19 làm cho cơ hội tiến triển của các bệnh mạn tính tăng lên, trở thành những bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng và rất nặng.

Theo Bộ Y tế, đợt dịch lần này với ổ dịch là thành phố Đà Nẵng, tâm dịch lớn nhất tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh; trong đó có khoảng 20 nhân viên y tế, 77 bệnh nhân, hơn 90 người nhà, người chăm sóc bệnh nhân và đã có lây nhiễm thứ phát từ những trường hợp mắc trong bệnh viện ra cộng đồng.

Ngoài ra cũng đã xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ khác có nguy cơ lây nhiễm và bùng phát với hơn 20 trường hợp được phát hiện ở Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác là các trường hợp đi tham quan, du lịch, làm việc tại Đà Nẵng.

Đồ họa về tình hình cách ly các đối tượng do dịch COVID-19 tại Việt Nam:

Phân tích về tình hình dịch bệnh COVID-19 lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ dịch COVID-19 lây lan nhanh ở mức cao, bùng phát mạnh ở nhiều quốc gia, khu vực. Việt Nam là nước hội nhập quốc tế sâu rộng thì không thể mất cảnh giác, chủ quan.

Cuộc chiến chống COVID-19 ở Việt Nam đã bắt đầu sang thời kỳ cao điểm, Thủ tướng hoan nghênh Bộ Y tế, các địa phương đã hỗ trợ tích cực cho các trung tâm dịch, đặc biệt là Đà Nẵng, Quảng Nam thời gian qua với tinh thần trách nhiệm, tình đồng chí, nghĩa đồng bào. Hình ảnh bác sĩ từ Hải Phòng lên đường, tạm biệt gia đình, vợ con hết sức cảm động và nhiều tấm gương khác, nhiều nhà hảo tâm đã đóng góp máy thở, phương tiện, vật tư y tế, tiền bạc cho công cuộc này.

Nguy cơ dịch bệnh thường trực, vì vậy Chính Phủ và ngành y tế yêu cầu không chỉ lực lượng phòng, chống dịch, cấp ủy, chính quyền địa phương mà đặc biệt mỗi người dân phải nâng cao ý thức cảnh giác để công tác phòng chống mang lại hiệu quả cao, hạn chế thấp nhất những mất mát, thương vong./.

Cuộc chiến chống COVID-19: Những kỳ tích và “giọt nước tràn ly" ảnh 4Người dân đến chờ lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR . (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục