Đại biểu Quốc hội nói gì về vụ xử bác sĩ Hoàng Công Lương?

Theo đại biểu Chiến: "Đối với cả một phiên tòa khi chứng cứ buộc tội đã bị triệt tiêu, đã xác định là vi phạm, không còn có ý nghĩa để làm căn cứ buộc tội mà vẫn cứ buộc tội thì đó là xử ép."
P Đại biểu Quốc hội nói gì về vụ xử bác sĩ Hoàng Công Lương? ảnh 1Đại biểu Quốc hội - luật sư Nguyễn Văn Chiến. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Phiên tòa xét xử liên quan đến vụ án 8 người chạy thận tử vong khi xảy ra sự cố tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã diễn ra một tuần nay.

Đây là phiên tòa nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, truyền thông, trong ngành y và chính những người trong cuộc khi xảy ra sự cố.

[Xét xử vụ chạy thận: Tình tiết bất ngờ xuất hiện trong chiều nay]

Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, chiều 21/5, đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội - đã có những trao đổi xung quanh những nghi vấn về một phiên tòa mà những người tham dự xét xử công khai ở phiên tòa cho là có quá nhiều điều “bất thường và uẩn khúc.”

- Thưa ông, phiên tòa đã diễn ra được một tuần, vừa với tư cách của một đại biểu Quốc hội, đồng thời là người trực tiếp có mặt tại các phiên tòa trước đó để tham gia xét xử, ông có những nhận định như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến: Hôm nay là ngày khai mạc Quốc hội Kỳ họp thứ 5, vụ án liên quan tới bác sỹ Hoàng Công Lương được dư luận và xã hội đặc biệt quan tâm, đặc biệt là giới bác sỹ của ngành y cũng đang từng giờ từng phút theo dõi diễn biến của phiên tòa.

Ở góc độ luật sư bào chữa, chúng tôi tham gia nghiên cứu toàn bộ hồ sơ và tham dự tất cả các cuộc thẩm vấn tại phiên tòa cũng như xem xét các chứng cứ được đưa ra tại tòa án, chúng tôi thấy đây là vụ án để thực hiện cải cách tư pháp. Tuy nhiên, về vấn đề các tài liệu chứng cứ để được đưa ra để thẩm vấn, để kiểm tra sự có mặt trực tiếp của những người liên quan và những người làm chứng đặc biệt quan trọng.

Trong quá trình vừa qua thì tòa án triệu tập nhưng người làm chứng vắng mặt, thậm chí đã mời họ đến tòa để thực hiện trách nhiệm của mình rồi nhưng lại tiếp tục có đơn xin vắng mặt. Do vậy, yêu cầu đặt ra để tranh tụng tại phiên tòa thông qua quá trình hỏi, tranh tụng không đạt được yêu cầu. Vì vậy vấn đề làm rõ sự thật, bản chất của vụ án được xác định vẫn chưa đáp ứng được.

Tôi đơn cử như việc các luật sư đề nghị tòa án triệu tập đại diện của Bộ Y tế, đại diện của Hội đồng chuyên môn, đại diện của bên giám định, các chuyên gia những người hiểu biết về máy lọc thận, màng lọc RO để Hội đồng Xét xử và người tham gia tố tụng tại phiên tòa biết được vấn đề kỹ thuật thuộc chuyên môn của ngành y, nhưng Hội đồng Xét xử không chấp nhận và cho rằng không cần thiết.

Như vậy nếu tòa chỉ xử ở góc độ thẩm vấn ở những người có mặt ở phiên tòa chủ yếu là các bị cáo và một số người trong đơn nguyên thận thì nó không giải quyết được về vấn đề chuyên môn, về vấn đề khoa học trong lọc máu, chạy thận cũng như về vấn đề khoa học pháp lý của hình sự.

Đại biểu Quốc hội nói gì về vụ xử bác sĩ Hoàng Công Lương? ảnh 2Phiên tòa xét xử vụ án 8 người tử vong khi chạy thận. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Thưa ông, hiện nay nhiều nguồn tin cho biết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đi nước ngoài. Vậy cơ quan chức năng có chậm trễ trong việc ngăn chặn không?

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến: Chúng tôi cho rằng cũng là một sự chậm trễ. Bởi sự hiện diện có mặt của ông Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình ở tại phiên tòa là hết sức cần thiết. Tất cả những người tham dự phiên tòa cũng như những người theo dõi phiên tòa đều nhận thấy rằng cần phải có sự có mặt của nhân vật này.

Tuy nhiên, việc này lại không có biện pháp nào để cho những người nhân chứng, người có quyền lợi liên quan này có mặt để trả lời những yêu cầu của việc xét xử.

- Tại phiên tòa diễn ra nhiều ngày qua, ông có thấy điều gì bất thường?

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến: Đối với việc những người có quyền lợi liên quan, vắng mặt thì luật quy định chưa có quy định bắt buộc họ phải đến phiên tòa. Do vậy, có những trường hợp họ không đến tòa cũng không dẫn giải được. Luật chỉ quy định dẫn giải những người làm chứng.

Với phiên tòa ở Hòa Bình, có những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa đã trả lời Hội đồng Xét xử, nhưng sang phần người bào chữa hỏi thì người ta lại xin vắng mặt. Trong khi đó, hiện nay không có biện pháp nào buộc người ta phải có mặt tại phiên tòa.

Đặc biệt, một phiên tòa khi được đưa ra xét xử thể hiện trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng phải làm rõ cả chứng cứ buộc tội nhưng đồng thời phải làm rõ chứng cứ gỡ tội. Vai trò ấy dành cho luật sư thì không thực hiện được, dẫn đến phiên tòa chưa bảo đảm được để làm sáng tỏ sự thật khách quan cũng như bản chất sự việc.

Đại biểu Quốc hội nói gì về vụ xử bác sĩ Hoàng Công Lương? ảnh 3Phiên tòa xét xử vụ án 8 người tử vong khi chạy thận. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Là người theo dõi phiên tòa từ đầu, theo ông, phiên tòa này cần làm theo hướng nào để đảm bảo tính công bằng cho cả hai bên?

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến: Một phiên tòa diễn ra ở năm 2018 được thực hiện theo Luật tố tụng hình sự năm 2015, vì vậy đây là một phiên tòa được thực hiện theo tinh thần cải cách tư pháp, nó phải bảo đảm nguyên tắc tranh tụng đã được thể chế hóa trong Luật tố tụng hình sự theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Do vậy, việc kiểm tra các tài liệu chứng cứ thông qua các quá trình tranh tụng, xét hỏi ở phiên tòa phải được công khai và được xem xét một cách toàn diện, đầy đủ.

Tuy nhiên, phiên tòa diễn ra trong mấy ngày qua mà vắng quá nhiều người làm chứng, người liên quan quan trọng như ông giám đốc bệnh viện khi đó - là người trực tiếp ký hợp đồng trở xuống thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp để đảm bảo nguyên tắc tranh tụng.

- Một phiên tòa thiếu rất nhiều người quan trọng thì có khách quan không, thưa ông?

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến: Rõ ràng, nếu như một phiên tòa bảo đảm thẩm vấn kiểm tra tất cả lời khai của nguời làm chứng ở cơ quan điều tra được xác định lại ở phiên tòa thì mới bảo đảm tính khách quan. Những lời khai nào mâu thuẫn, không phù hợp với tài liệu chứng cứ khác thì không được sử dụng làm chứng cứ.

Những lời khai, tài liệu nào mà có yếu tố thu thập, không tuân theo quy định của bộ Luật tố tụng hình sự, vi phạm quy định của pháp luật của tố tụng thì chứng cứ, tài liệu đó không có giá trị về mặt pháp lý. Về nguyên tắc sẽ không được áp dụng, xử lý nó là chứng cứ buộc tội.

Do vậy, tại phiên tòa có điều kiện để làm rõ những chứng cứ nào là chứng cứ thu thập hợp pháp, chứng cứ nào thu thập không hợp pháp và lời khai nào người ta khai trung thực, đúng với sự thật, tình tiết của sự việc.

Đại biểu Quốc hội nói gì về vụ xử bác sĩ Hoàng Công Lương? ảnh 4Làm các thủ tục ban đầu tại phiên tòa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Qua diễn biến phiên tòa mấy ngày qua, qua các phần xét hỏi các luật sư cũng đã thẩm vấn, làm rõ nhiều tài liệu chứng cứ người ta khai ở tại phiên tòa đã xác định sự thật lời khai ở cơ quan điều tra không phù hợp với tài liệu chứng cứ khác.

Như vậy, những tài liệu chứng cứ đó rất khó để tin, hơn nữa nếu qua trình bày của người có liên quan về hoạt động thu thập tài liệu chứng cứ rõ ràng chưa phù hợp với quy định của pháp luật, hay nói cách khác là có vi phạm tố tụng. Vì vậy, nó sẽ không có giá trị để chứng minh, do đó, đối với cả một phiên tòa khi chứng cứ buộc tội đã bị triệt tiêu, đã xác định là vi phạm, không còn có ý nghĩa để làm căn cứ buộc tội mà vẫn cứ buộc tội thì đó là xử ép.

- Là người tham gia nhiều vụ án. Ông có thấy đây là một án lệ?

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến: Án lệ tòa án tối cao đang thực hiện theo nhiệm vụ, tinh thần cải cách tư pháp để bảo đảm, hướng đến một nguyên tắc công bằng trước pháp luật đã được quy định trong Hiến pháp. Án lệ phải mang tính điển hình, đặc trưng kết hợp giữa lý luận và thực tiễn để từ đó tòa án phải căn cứ vào đó để xét xử đảm bảo tính khách quan và công bằng.

Trong thực tiễn vừa qua, chúng tôi thấy có nhiều vụ án thực hiện theo tinh thần cải cách tư pháp, việc Hội đồng Xét xử tổ chức các phiên tòa để đảm bảo nguyên tắc tranh tụng và ra những phán quyết đảm bảo đúng luật, đúng người đúng tội chưa được thực sự đáp ứng.

Do vậy, đối với những vụ án như này, còn đang chờ vào phán quyết cuối cùng của Hội đồng Xét xử để xác định xem đã thấu đáo từ khâu tổ chức, áp dụng pháp luật cũng như đường lối chính sách về hình sự để xử lý đối với người phạm tội hay chưa.

Việc coi vụ án nào là án lệ thì nó phải mang tính điển hình và đạt được nguyên tắc bảo đảm tính công bằng theo pháp luật để các phiên xử khác phiên xử khác căn cứ vào đó để đưa ra những phán quyết phù hợp.

Xin trân trọng cảm ơn đại biểu - luật sư Nguyễn Văn Chiến!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục