Đạo diễn Xôviết nổi tiếng Alexei German qua đời

Alexei German chỉ làm một lượng nhỏ phim nhưng lại gây ảnh hưởng tới cả thế hệ các đạo diễn Xôviết với các bộ phim chính kịch.
Đạo diễn nổi tiếng người Nga Alexei German, người chỉ làm một lượng nhỏ phim nhưng lại gây ảnh hưởng tới cả thế hệ các đạo diễn Xôviết với các bộ phim chính kịch phê phán trực diện, đã qua đời hôm 21/2, hưởng thọ 74 tuổi.

"Ngày hôm nay, cha tôi đã qua đời sau một giấc ngủ dài... Tim ông đơn giản là đã ngừng đập" - con trai của ông, Alexei German Jr, người cũng là đạo diễn đã viết trong một thông báo đăng trên trang web của đài phát thanh Tiếng vọng Mátxcơva.

German sinh tại Leningrad, giờ là Saint Petersburg, là con trai của một tiểu thuyết gia và một nhà biên kịch. Ông làm các bộ phim đầu tiên của mình tại xưởng Lenfilm của thành phố và gần đây ông mới lên tiếng bảo vệ xưởng phim khỏi bị đóng cửa.

Trong sự nghiệp trải dài 30 năm, đạo diễn này mới hoàn thành được 5 bộ phim, với 4 trong vai trò đạo diễn. Nhưng phong cách làm phim ảm đạm, chân thực và pha chất tàn bạo của ông đã gây ảnh hưởng rất lớn tới cả một thế hệ đạo diễn tại Nga.

"Ông ấy là người độc nhất vô nhị" - đạo diễn Alexander Sokurov ở Saint Petersburg, người cho ra đời tác phẩm nổi tiếng "The Russian Ark" và nhiều bộ phim đoạt giải khác nói với hãng tin Interfax - "Tôi còn có thể nói gì khác về tài năng nghệ thuật của một con người như thế".

"Alexei German là một quái thú thiêng của điện ảnh Liên Xô và điện ảnh Nga. Ông là người thừa kế và đại diện cuối cùng của đỉnh cao văn hóa Liên Xô" - nhà phê bình phim Mikhail Trofimenkov nói - "Cái chết của ông đã đánh dấu chấm hết cho cả một thời đại. Ông ấy là một đạo diễn đã cố gắng tạo nên nguyên tắc thẩm mỹ riêng của mình để kết hợp ký ức của một cá nhân với ký ức của đất nước."

Tác phẩm đầu tay của German trong vai trò một đạo diễn là bộ phim chính kịch về những người lính du kích trong Thế chiến thứ Hai mang tên "Phiên tòa trên đường." Đương thời, phim không được phép công chiếu vì đã có cách nhìn không tô vẽ về Hồng quân và các tù binh chiến tranh Liên Xô.

Mặc dù được sản xuất vào năm 1971, phim không được công chiếu cho tới tận năm 1985, dưới thời cải tổ của Mikhail Gorbachev.

"Người ta đặt tôi và phim lên kệ và nói: Hãy trở lại làm việc sau 3 năm nữa. Không ai cho tôi làm việc gì, ngay cả tại thành phố Norilsk ở Bắc cực" - German nhớ lại trong cuộc phỏng vấn trên tờ nhật báo Rossiiskaya Gazeta hồi năm 2002 - "Bộ phim nằm trên kệ tới 15 năm."

Bộ phim kế tiếp của ông "20 ngày không chiến tranh", quay năm 1976, cũng bị cản trở bởi các quan chức kiểm duyệt. Những người này chỉ buông tha cho bộ phim sau khi nhà văn Liên Xô được nhiều người ca ngợi là Konstantin Simonov can thiệp.

Bộ phim cuối cùng của ông, "Khrustalyov, My Car!", sản xuất hồi năm 1998 đã kể lại câu chuyện về một viên bác sĩ đã bị kết án trong cái gọi là Âm mưu của các bác sĩ nhằm giết các nhà lãnh đạo Liên Xô.

Trước lúc qua đời, German đang hoàn tất một bộ phim dựa trên một tiểu thuyết hư cấu mang tên "It's Hard to be a God". Đây là dự án ông đã bắt đầu thực hiện từ năm 1998, nhưng chật vật để hoàn thành phim do khó khăn vì vốn, các rào cản kỹ thuật và nhiều vấn đề liên quan tới sức khỏe.

"Tôi bị bệnh tim và thật khó để làm việc một cách tích cực. Trước kia, tôi luôn làm việc thêm giờ, tới 12 giờ mỗi ngày, nhưng giờ tôi không thể làm vậy" - German nói trong một cuộc phỏng vấn với báo điện tử 812 Online ở Saint Petersburg hồi năm 2011.

Con trai ông hôm 21/2 đã cam kết rằng bộ phim sẽ được hoàn tất. Con trai ông cũng nói rằng cha mình đã quay phim khi ông ốm nặng và qua đó đã hy sinh đời mình cho bộ phim. Anh đánh giá bộ phim là "tác phẩm chính" của đời cha mình.

"Cha tôi đã sống một cuộc đời đáng giá. Ông không phải bộ các lý tưởng của mình. Ông không bán mình. Ông không lãng phí bản thân vào những điều vô bổ" - anh nói.

German đã phải nhập viện vào tháng 11 năm ngoái sau khi bị ngã trong căn hộ của ông và sau đó lại bị viêm phổi. Ông sẽ được mai táng tại nghĩa trang Bogoslovskoye ở Saint Petersburg.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã gửi lời chia buồn tới gia đình ông./.
 

Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục