Bất chấp việc chính phủ siết chặt hoạt động dạy thêm-học thêm; thu nhập giảm sút do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, các bậc phụ huynh ở Trung Quốc vẫn không ngần ngại chi những khoản tiền lớn đầu tư cho con em theo học các lớp ngoại khóa.
Chi phí nuôi dạy, ăn học dành cho những đứa trẻ ở Trung Quốc tốn kém đến mức được ví von không khác gì các "tiểu yêu nuốt vàng."
Các hình thức biến tấu mới của học thêm
Tháng Bảy vừa qua, tổng chi tiêu của gia đình cô Liu Hao đã chạm mức cao nhất trong vòng 3 năm.
Ngoài các chi phí sinh hoạt hàng ngày, Liu Hao - người phụ nữ sống ở thành phố Ninh Ba, miền Đông Trung Quốc - đã chi hơn 40.000 nhân dân tệ (5.500 USD) để cậu con trai 11 tuổi tham gia các khóa học Hè.
Khoảng 25.000 nhân dân tệ trong số này là để con cô tham gia một khóa du học Hè ngắn hạn ở Nhật Bản; 10.000 nhân dân tệ chi cho các lớp học thêm và phần còn lại dành cho một chuyến tham gia trại Hè.
Liu Hao hiện đang làm việc tại một công ty thương mại ở Trung Quốc. "Tôi và chồng không dám tiêu quá nhiều vào các khoản khác. Nguyên nhân là bởi thu nhập vợ chồng tôi vài năm qua hầu như không tăng mấy," cô chia sẻ. Thế nhưng Liu khẳng định gia đình cô vẫn sẽ không ngần ngại đầu tư một số tiền lớn để con đi học.
Nền kinh tế chững lại, thu nhập tăng dè dặt buộc người tiêu dùng Trung Quốc phải thắt chặt chi tiêu. Thế nhưng điều đó vẫn không ngăn cản họ chi mạnh tay cho các sản phẩm giáo dục, ngay cả khi Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều động thái không khuyến khích học sinh học thêm ngoài giờ suốt mấy năm qua.
Hè năm nay là kỳ nghỉ Hè đầu tiên sau ba năm giãn cách vì đại dịch COVID-19. Tháng Bảy vừa qua cũng đánh dấu hai năm kể từ khi Bắc Kinh mạnh tay chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm, làm đảo lộn ngành công nghiệp trị giá 70 tỷ USD.
Để đối phó với chính sách mới, nhiều bậc cha mẹ đã cho con đi học tập trải nghiệm ở nước ngoài hay cố tình làm trái luật khi thuê gia sư riêng. Tất cả nhằm mục đích giúp con cái mình có lợi thế học tập ở trường.
Họ không muốn con cái mình thụt lùi so với các bạn đồng trang lứa, trong bối cảnh một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên Trung Quốc không tìm được việc làm.
Để duy trì hoạt động, nhiều trung tâm dạy thêm cũng thiết kế ra các khóa học "phi học thuật."
Liu Hao chia sẻ, trung tâm tiếng Anh con trai cô đang theo học đã đổi tên của một khóa học bình thường thành “diễn thuyết trước công chúng bằng tiếng Anh." Về cơ bản chỉ có cái tên là mới, nội dung hoạt động giảng dạy không hề thay đổi.
[Hàn Quốc nỗ lực hạ "cơn sốt" học thêm tốn kém hàng chục tỷ USD]
Ngoài các khóa học thêm đã thay tên, Trung Quốc còn chứng kiến sự bùng nổ của các chuyến đi học tập trải nghiệm cho bạn trẻ - sản phẩm được đông đảo phụ huynh đăng ký cho con tham gia.
Không khó để bắt gặp các nhóm đông học sinh đến thăm các địa điểm nổi tiếng như Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh hay Bảo tàng Thiên văn học Thượng Hải. Điều này đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông và trở thành tâm điểm của các câu chuyện thời sự.
Khó thay đổi quan điểm của phụ huynh
Dù Trung Quốc tiến hành siết chặt việc học thêm thì vẫn có thể thấy rằng tư tưởng của phụ huynh về vấn đề này không thay đổi nhiều.
Một người phụ nữ họ Luo, sống ở Thượng Hải, có con trai hiện đang học tiểu học. Luo cho biết cô gửi con tới trung tâm trông trẻ trong suốt kỳ nghỉ Hè. Các giáo viên ở đây giúp con cô chuẩn bị trước kiến thức cho năm học mới.
“Sự cạnh tranh rất khốc liệt. Dường như ai cũng đi học thêm, vì vậy tôi không thể để con ở nhà chơi dài trong cả kỳ nghỉ được," Luo chia sẻ.
Ngoài con trai nhỏ tuổi, Luo còn có một cô con gái đang học trung học. Luo cho biết mức học phí của con gái cô hiện nay khoảng 350 nhân dân tệ cho một buổi học kéo dài 2 tiếng. Trong khi đó, tiền học phí để thuê gia sư 1-1 lên tới 800 nhân dân tệ.
Mỗi năm, Luo chi gần 250.000 nhân dân tệ tiền học thêm cho 2 con, chưa kể chi phí cho các hoạt động khác. Theo Luo, bậc học càng cao thì học phí càng tăng.
"Vợ chồng tôi thấy mình còn may mắn vì thu nhập vài năm qua không bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ vung tiền mà không suy nghĩ kỹ. Dù sao ngày nay kiếm tiền không phải là dễ," cô nói.
Tổng sản phẩm quốc nội Trung Quốc trong quý 2 năm nay tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng của giới chuyên gia, trong bối cảnh xuất khẩu thì giảm mạnh do nhu cầu đi xuống, còn thị trường bất động sản thì trượt dốc.
Theo một báo cáo của Standard Chartered, mặc dù người Trung Quốc có thói quen tiết kiệm, đặc biệt là trong những giai đoạn bất ổn, trong nửa đầu năm nay, các hộ gia đình ở Trung Quốc bắt đầu có xu hướng rút tiền từ nguồn tiết kiệm ra để chi tiêu.
Bian Lu, chủ sở hữu một công ty giáo dục ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, thừa nhận rằng đã có xuất hiện một số trường hợp học sinh bỏ học thêm do gia đình gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, cô khẳng định điều này không có nghĩa là các bậc cha mẹ ở Trung Quốc không còn quan tâm tới giáo dục.
"Tôi nghĩ xu hướng 'nằm yên mặc kệ đời' không xảy ra ở ngành giáo dục. Theo quan sát của tôi, các gia đình thành thị vẫn có nhu cầu về dịch vụ dạy thêm," Lu nói.
Thuật ngữ "nằm yên mặc kệ đời” đề cập tới lối sống có liên quan, đang trở nên phổ biến ở Trung Quốc thời gian gần đây. Những người trẻ mang tư tưởng này kêu gọi không cống hiến quá mức cho công việc và họ đi làm lấy thu nhập chỉ đủ để chi trả những gì thiết yếu trong cuộc sống.
Là mẹ của hai cậu con trai đang học tiểu học, Lu cho biết hàng năm, riêng tiền học phí cho hai con đã chiếm hơn một phần ba tổng chi tiêu của gia đình.
Cô cho rằng dù nhà nước có siết chặt hoạt động dạy học thêm hay không thì tỷ lệ trên vẫn không thay đổi. Nguyên nhân là do phần lớn số tiền trên được chi cho các hoạt động không liên quan trực tiếp đến việc học tập, như nghệ thuật và thể thao.
Tháng 7/2021, Trung Quốc đã ra lệnh cấm các hoạt động dạy thêm, học thêm các môn học ở trường như Toán và tiếng Anh, trong nỗ lực nhằm thúc đẩy bình đẳng xã hội. Sau thông tin trên, vô số doanh nghiệp đã phải đóng cửa và hàng tỷ USD giá trị vốn hóa liên quan đến hoạt động dạy học thêm đã bốc hơi khỏi thị trường.
Xiong Bingqi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21, cho biết hai năm sau chấn chỉnh dạy học thêm, quy mô của thị trường dạy thêm đã thu nhỏ đáng kể, nhưng nhu cầu từ các gia đình thì không giảm đi tương ứng.
Ông nhận định: “Một số tổ chức (dạy thêm) trước đây từng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế thì nay chuyển sang hoạt động chui và không đóng thuế. Tìm ra cách giải quyết vấn nạn này đã trở thành một vấn đề lớn và nó đang có tác động tiêu cực đến toàn ngành."
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Dân số YuWa công bố vào tháng Tư năm nay, nuôi con ở Trung Quốc đang là một trong những chi phí tốn kém nhất thế giới
Báo cáo trên cho hay chi phí chăm sóc, nuôi dạy một đứa trẻ đến năm 18 tuổi ở Trung Quốc cao gấp 6,9 lần tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người.
Con số này cao thứ 2 trên thế giới, gấp đôi chi phí ở Đức, gấp 3 lần chi phí ở Pháp và chỉ đứng sau Hàn Quốc, nơi chi phí nuôi con cao gấp 7,79 lần so với GDP bình quân đầu người./.