Đề nghị giảm mức thu phí 2 trạm trên Quốc lộ 5 từ ngày 1/11 tới

Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) vừa có đề nghị thời gian giảm phí tại hai trạm thu phí trên Quốc lộ 5 bắt đầu từ ngày 01/11/2016.
Phương tiện lưu thông qua trạm thu phí số 2 trên Quốc lộ 5. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) vừa có đề nghị thời gian giảm phí tại hai trạm thu phí trên Quốc lộ 5 bắt đầu từ ngày 01/11/2016.

Lý do mà VIDIFI đưa ra quyết định này là thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải về phương án tài chính cập nhật của dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Tổng công ty đề xuất phương án giảm phí tại hai trạm thu phí trên Quốc lộ 5.

Cụ thể, xe nhóm 1 được điều chỉnh từ 45.000 đồng/lượt/trạm giảm xuống 40.000 đồng/lượt/trạm; xe nhóm 2 từ 60.000 đồng/lượt/trạm giảm xuống 55.000 đồng/lượt/trạm; xe nhóm 4 từ 140.000 đồng/lượt/trạm giảm xuống 125.000 đồng/lượt/trạm; xe nhóm 5 từ 200.000 đồng/lượt/trạm giảm xuống 180.000 đồng/lượt/trạm.

Do đặc thù hai trạm thu phí Quốc lộ 5 có số lượng xe sử dụng vé tháng, quý rất lớn. Vì vậy, để thuận tiện thu, nộp phí sử dụng đường bộ, VIDIFI đề nghị thời gian giảm phí bắt đầu từ ngày 01/11/2016.

Bên cạnh đó, VIDIFI sẽ làm việc với Bộ Tài chính để điều chỉnh Thông tư thu phí của dự án theo mức phí được điều chỉnh nêu trên.

Đồng thời, VIDIFI kiến nghị Nhà nước sớm hỗ trợ kinh phí cho dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng theo Quyết định 746/QĐ-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, trong Quyết định 746/QĐ-TTg nêu rõ, phần tham gia, hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án tối đa bằng 39% tổng mức đầu tư của dự án. Tuy nhiên, hiện nay, các khoản hỗ trợ nêu trên của Nhà nước đối với dự án đều chưa được thực hiện.

Cụ thể, đối với tái cơ cấu khoản vay 100 triệu USD từ Ngân hàng tái thiết Đức KFW, tại Quyết định 746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/5/2015, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính xem xét hình thức chuyển đổi hoặc hỗ trợ phù hợp đối với khoản vay 100 triệu USD nêu trên. Hiện nay, Bộ Tài chính chưa xác định được hình thức chuyển đổi, chưa được bố trí kế hoạch ngân sách để hỗ trợ.

Đối với chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư (giải phóng mặt bằng) tại dự án của các địa phương là 4.069 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để hỗ trợ khoản chi phí giải phóng mặt bằng của dự án. Đến nay, khoản hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng này chưa được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.

“Nếu Nhà nước không bố trí kịp thời vào kế hoạch các khoản hỗ trợ nêu trên, sẽ có ảnh hưởng, tác động rất lớn đối với dự án, thậm chí phá vỡ phương án tài chính, phương án tái cơ cấu, chuyển nhượng dự án do các nhà đầu tư đã tạm dừng, không tiếp tục các bước đàm phán vì cam kết hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án cần phải có lộ trình thực hiện rõ ràng,” đại diện VIDIFI nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 1/4 vừa qua, VIDIFI đã chính thức tăng mức thu phí trên tuyến Quốc lộ 5. Cụ thể, mức phí 2 trạm BOT trên Quốc lộ 5, mức thấp nhất với xe dưới 12 chỗ là 45.000 đồng/lượt; cao nhất là xe tải trên 18 tấn, xe container có vé lượt 200.000 đồng/lượt.

Đây là điều chỉnh mức thu phí theo lộ trình tăng phí sử dụng đường bộ trên Quốc lộ 5 do Bộ Tài chính quy định để duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông Quốc lộ 5 và phần còn lại để hoàn vốn theo phương án tài chính cả dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).

Được biết, đợt gần nhất, Quốc lộ 5 tăng phí vào ngày 1/12/2015 là do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng. Theo quy định Thông tư 159 là 3 năm tăng 18%, còn tính theo VIDIFI thì mỗi năm chỉ tăng 6%. Do đó, Quốc lộ 5 thực hiện tăng phí theo đúng quy định.

Năm 2013, Quốc lộ này đã được sửa chữa với 800 tỷ đồng nhưng năm 2014, Quốc lộ 5 tiếp tục hằn lún và Bộ Giao thông Vận tải đã ‘rót thêm’ 100 tỷ đồng (VIDIFI bỏ 60 tỷ đồng) sửa chữa. Tuy nhiên, đây chỉ là sửa kiểu chắp vá, nếu sửa chữa ổn định thì ngốn vài ngàn tỷ nên không có khả năng.

"Năm 2016, theo dự kiến, Quốc lộ 5 được bổ sung khoảng 300 tỷ đồng sửa chữa nhưng cần phải khảo sát thực tế các vị trí để sửa đoạn nào chắc đoạn đó, không thể sửa hết cùng lúc. Trong khi, một năm Tổng cục Đường bộ chỉ bố trí được 20 tỷ đồng từ nguồn vốn của Quỹ bảo trì đường bộ để bảo dưỡng, sửa chữa nhưng thực sự số tiền này là chưa đủ để duy tu nạo vét rãnh nước, cắt cỏ, thu gom rác hai bên đường,” lãnh đạo VIDIFI đưa ra con số so sánh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục