Đề xuất giải thể các quỹ tại địa phương có vốn thấp, nợ xấu cao

Chỉ có 10/42 quỹ đầu tư phát triển địa phương được đánh giá là hiệu quả. Việc giám sát hàng chục quỹ này theo quy định là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhưng chưa có tiêu chí cụ thể.
Đề xuất giải thể các quỹ tại địa phương có vốn thấp, nợ xấu cao ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chỉ có 10/42 quỹ đầu tư phát triển địa phương được đánh giá là hiệu quả. Việc giám sát hàng chục quỹ này theo quy định là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhưng nội dung, tiêu chí đánh giá cụ thể là gì thì chưa rõ.

Đó là một vài đánh giá của lãnh đạo Bộ Tài chính về tổng kết thi hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của quỹ đầu tư phát triển địa phương mới được cơ quan này công bố.

Vốn tối thiểu chỉ 100 tỷ đồng là nhỏ

Theo báo cáo Bộ Tài chính, đến thời điểm 31/12/2016, đã có 42 quỹ được thành lập và hoạt động trên cả nước, trong đó miền Nam là 18 quỹ, miền Trung, Tây Nguyên là 12 quỹ và miền Bắc là 12 quỹ. Mục tiêu của các quỹ này là huy động các nguồn vốn trung và dài hạn để thực hiện cho vay, đầu tư trực tiếp các dự án trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội tại địa phương.

[Cảnh báo nợ công Việt Nam dễ lung lay ngay cả với những cú sốc nhẹ]

Cũng tính tới hết năm 2016, số dư nguồn vốn hoạt động của hệ thống quỹ là 28.040 tỷ đồng. Vốn các quỹ huy động từ nguồn vốn Chính phủ vay về cho vay lại (vốn ODA) chiếm 65% trong tổng vốn huy động của hệ thống quỹ, còn lại là tiền bảo hành công trình, ký quỹ của chủ đầu tư, tiền gửi của các quỹ tài chính địa phương,…

Tuy vậy, theo đánh giá, trong số 42 quỹ hiện tại, chỉ có khoảng 10 quỹ hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt công tác huy động vốn, cho vay và đầu tư.

Lãnh đạo Bộ Tài chính chỉ ra điểm hạn chế với các quỹ hiện tại là mức vốn điều lệ tối thiểu theo quy định là thấp (100 tỷ đồng) chưa phù hợp với nhu cầu đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng.

“Mức vốn tối thiểu 100 tỷ đồng theo quy định là nhỏ so với việc cho vay, đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng đòi hỏi quy mô vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài. Mức vốn này sẽ không bảo đảm cho quỹ có thể quay vòng và thực hiện được nhiều dự án,” đại diện Bộ Tài chính đánh giá.

Lãnh đạo bộ này tính toán, các quỹ có mức vốn điều lệ nhỏ hơn 200 tỷ đồng hiện nay đều hoạt động khó khăn. Từ đó, nhiệm vụ của quỹ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng tại địa phương cũng không phát huy được hiệu quả.

Theo tính toán, hiện có 3/42 quỹ chưa đủ vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng, 18/42 quỹ có quy mô vốn từ 100 đến dưới 200 tỷ đồng.

Qua đó, lãnh đạo Bộ Tài chính đề xuất cần nâng mức vốn điều lệ tối thiểu của quỹ từ 100 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng để nâng cao năng lực tài chính cho quỹ, đảm bảo an toàn và bù đắp rủi ro có thể xảy ra cũng như khả năng đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng.

Ở hướng khác, một hạn chế được phía Bộ Tài chính nêu lên là một số địa phương thành lập quỹ nhưng không huy động được vốn và hoạt động sử dụng vốn để cho vay, đầu tư thấp, chưa phát huy vai trò của quỹ.

Từ đó, lãnh đạo ngành tài chính đề xuất bổ sung điều kiện trong đề án thành lập quỹ đầu tư phát triển địa phương phải có phương án huy động, sử dụng vốn, bao gồm danh mục các dự án dự kiến cho vay, đầu tư trong thời gian 3 năm từ thời điểm dự kiến thành lập quỹ.

Sẽ bắt buộc giải thể quỹ

Ở hướng khác, vấn đề được lãnh đạo Bộ Tài chính tính tới là giải thể quỹ. Đối tượng được nhắm tới là các quỹ đang hoạt động nhưng không hiệu quả, không đúng mục tiêu thành lập là huy động vốn để cho vay, đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng địa phương, gây lãng phí. Các quỹ này đã thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nhưng tiếp tục hoạt động không hiệu quả.

Với trường hợp trên, lãnh đạo Bộ Tài chính đề xuất Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh có thể báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định việc giải thể quỹ.

Ngoài ra, trao đổi thêm với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, với quỹ có vốn thấp, hoạt động không hiệu quả, cơ quan này đề nghị xử lý theo hướng giải thể.

Một số trường hợp bắt buộc phải giải thể theo đề xuất của ngành tài chính bao gồm: các quỹ có mức vốn điều lệ thực có thấp hơn mức vốn điều lệ tối thiểu quy định, tỷ lệ sử dụng vốn thấp (dưới 20% vốn hoạt động) hay không huy động được vốn, nợ xấu cao không có biện pháp xử lý trong vòng 3 năm liên tiếp.

Về đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, quy định hiện tại nêu việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát toàn diện tình hình hoạt động và tài chính của quỹ.

Tuy nhiên, nội dung, tiêu chí đánh giá cụ thể ra sao thì lãnh đạo ngành tài chính thừa nhận là “chưa có.”

“Do vậy, để tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc giám sát hoạt động của quỹ, kịp thời phát hiện và có biện pháp chấn chỉnh phù hợp, dự thảo Nghị định bổ sung nội dung đánh giá hiệu quả hoạt động của quỹ trên cơ sở quy định về giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động áp dụng cho doanh nghiệp Nhà nước và có tính đến đặc thù hoạt động của quỹ,” văn bản của ngành tài chính nêu lên./.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính nói về đề xuất giải thể các quỹ đầu tư phát triển địa phương.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục