Vô danh qua mặt bom tấn

District 9 - phim vô danh qua mặt bom tấn

District 9 - bộ phim xuất sắc nhất mùa hè năm nay được làm bởi một đạo diễn vô danh, đã khởi chiếu tại Việt Nam trong tháng 9 này.
Một bộ phim đầu tay của một đạo diễn vô danh đến từ Nam Phi, dàn diễn viên vô danh và kinh phí thấp hơn nhiều so với những bộ phim bom tấn ồn ào nhưng vô cảm của Hollywood đã gây sốc cho khán giả với lối thể hiện giàu sáng tạo và những thông điệp nhân bản – đó là “District 9”.
 
Bộ phim xuất sắc nhất mùa hè năm nay, đã được chiếu tại Việt Nam trong tháng 9. Dưới đây là 9 điều thú vị ít người biết về bộ phim này.
 
1. Phim ngắn là giấy thông hành cho đạo diễn trẻ.
 

Có lẽ chưa bao giờ định nghĩa “phim ngắn là tấm danh thiếp cho đạo diễn trẻ” lại đúng như với bộ phim ngắn “Alive in Joburg” của Neil Blomkamp đến vậy.

Năm 2003, “Phone Booth” của đạo diễn Joel Schumacher được dựa theo ý tưởng phim ngắn “End of the line” của chàng sinh viên trường điện ảnh NYU Paul Hough thực hiện năm 1996.

Thế nhưng, Paul không may mắn như Neil khi hãng Fox hoàn toàn mua đứt ý tưởng của Paul và không đoái hoài gì đến cậu, cũng như “làm lơ” luôn cả bộ phim gốc.
 
Dài 6 phút, với phong cách phim tài liệu, bộ phim ngắn của Neil xoay quanh những vấn đề xã hội ở Johannesburg, từ tình trạng bóc lột lao động cho đến các vụ phạm tội, trộm cắp và xung đột “sắc tộc” bởi sự tị nạn của những người hành tinh.
 
Chúng đến Trái Đất trên một con tàu vũ trụ khổng lồ “neo” lững lờ trên bầu trời Johannesburg vào những năm 1990, từng được người dân chào đón và giúp đỡ. Khi con tàu vũ trụ bắt đầu ăn cắp điện và những nguồn tài nguyên khác của thành phố, sự xung đột giữa con người và người hành tinh bắt đầu.

Nhờ bộ phim độc đáo này, đạo diễn Neil Blomkamp đã lọt vào “mắt xanh” của đạo diễn Peter Jackson. Khi dự án phim “Halo” mà Peter Jackson định giao cho Neil thực hiện bị trì hoãn, Peter Jackson đã đề nghị Neil phát triển từ ý tưởng của “Alive in Joburg” thành một phim truyện dài.
 
2. Khi nhà sản xuất là đồng minh của đạo diễn.
 
Không như những gì người ta thường nghĩ về mối quan hệ của nhà sản xuất và đạo diễn ở Hollywood - nơi mà các nhà sản xuất chỉ biết chạy theo lợi nhuận và các đạo diễn chỉ biết đến cái tôi của mình, dẫn đến những xung đột bất tận - Neil Blomkamp và Peter Jackson hiểu nhau và hỗ trợ nhau hết mình.
 
Khi dự án “Halo” mà Peter Jackson đóng vai trò sản xuất và Neil được mời làm đạo diễn bị hủy bỏ sau bốn tháng làm tiền kỳ, Peter Jackson và đồng sự cảm thấy áy náy. “Đây là bộ phim đầu tay của Neil, và cậu ấy xứng đáng được trở thành một đạo diễn thực thụ.
 
Chúng tôi không sở hữu bản quyền của phim “Halo”, vì thế chúng tôi không thể xin tiền ở đâu. Tôi đề nghị Neil, hãy làm một phim thật độc đáo “không đụng hàng” với kinh phí thấp. Và “District 9” ra đời” - Peter tiết lộ.
 
Neil thì cho biết “Peter luôn nói với tôi rằng hãy làm bộ phim mà cậu muốn, và anh ấy thực sự luôn thúc đẩy tôi làm điều đấy. Đồng thời, Peter với tư cách là một nhà làm phim đầy kinh nghiệm cũng có rất nhiều góp ý hữu ích cho tôi trong suốt quá trình làm phim.”
 
3. Kinh phí thấp vẫn có thể làm phim hay.
 
Hầu hết các chi phí trong tổng số kinh phí 30 triệu đôla đều được đổ vào làm kỹ xảo. “Bạn thấy toàn bộ tiền trên màn ảnh” - Peter Jackson nói.

Bộ phim không có những ngôi sao nổi tiếng (nam diễn viên Sharlto Copley vốn là bạn của Neil Blomkamp lần đầu tiên đóng phim), được quay tại Nam Phi với máy Red One để giảm chi phí tối đa.

Peter Jackson bình luận “Chúng ta đang sống trong một thế giới thật kỳ quái, 30 triệu đôla mà họ gọi là không có nhiều tiền lắm.”
 
4. Ý tưởng nguyên bản độc đáo nổi bật.
 
Trong vài năm trở lại đây, các hãng phim ngày càng ít dám mạo hiểm với những ý tưởng nguyên bản. Họ sẵn sàng chi ra hàng trăm triệu đôla để thực hiện những bộ phim phần kế tiếp, dựa theo truyện tranh hoặc các show truyền hình cũ rích với những ý tưởng lặp đi lặp lại nhàm chán.
 
Thế nhưng, họ dè sẻn trong việc đầu tư cho những ý tưởng nguyên bản độc đáo. “Tôi nhận ra rằng khán giả đang đói những phim có ý tưởng nguyên bản, những câu chuyện nguyên bản” - Peter Jackson nói.
 
“Hãy nhìn lại quá khứ, những phim như “Indiana Jones” hay “Star Wars” trở thành kinh điển dù chúng không hề dựa vào game, truyện tranh hay show truyền hình nào cả. Chúng đều là những ý tưởng nguyên bản.”
 
5. Phong cách giả tài liệu.
 
Trong vài năm trở lại đây, nhiều bộ phim làm theo phong cách “giả tài liệu” - tức phim hư cấu nhưng làm như một phim tài liệu dựa vào kỹ thuật quay phim, cấu trúc bộ phim, phong cách dựng cũng như kỹ thuật khai thác câu chuyện.
 
Khó biết “Alive in Joburg” là một trong những phim tiên phong của trào lưu này, hay chỉ là một phim ăn theo trào lưu, nhưng phong cách giả tài liệu của “Alive in Joburg” đã gây nhiều bất ngờ bởi nó khiến người ta hoài nghi: liệu có thật hay không những người hành tinh đang tị nạn ở Nam Phi.
 
Để thuyết phục người xem tin rằng những thước phim họ đang xem là “hình ảnh tư liệu” được quay thật không chỉ đòi hỏi người quay phim, dựng phim am hiểu thể loại phim tài liệu để thể hiện phong cách này, các diễn viên phải sống với nhân vật và hoàn toàn hóa thân vào nhân vật chứ không còn là “diễn xuất”.

Đạo diễn cũng không thể mời những ngôi sao nổi tiếng (vì khán giả sẽ nhận biết ngay đây chỉ là một bộ phim), với “Alive in Joburg”, cũng như “District 9,” phần kỹ xảo phim đòi hỏi phải đạt đến trình độ tuyệt mỹ để thuyết phục người xem đám người hành tinh và chiếc tàu vũ trụ không phải là sản phẩm của công nghệ kỹ xảo máy tính.
 
Đám người hành tinh được thiết kế ấn tượng và độc đáo, và khi “District 9” công chiếu, hầu như cả khán giả lẫn giới phê bình đều đánh giá cao phần tạo hình này.
 
6. Làm phim bằng chính kinh nghiệm sống.
 
Lớn lên ở Nam Phi và từng chứng kiến sự kết thúc của chủ nghĩa apartheid ở Nam Phi với tất cả những hậu quả của nó vẫn còn ở đất nước của mình, Neil Blomkamp cảm nhận và hiểu rõ sự xấu xa tồi tệ của nạn phân biệt chủng tộc.
 
“Đó là cuộc đời của cậu ấy, và tôi nghĩ điều đó thật tuyệt vời” - Peter Jackson nói. “Thường những đạo diễn trẻ làm bộ phim đầu tiên dựa trên nền văn hóa đại chúng. Họ không dựa vào những gì họ thật sự trải nghiệm mà chỉ dựa vào cuốn truyện tranh mình đọc hay bộ phim truyền hình mình xem trước đó.
 
Tôi nghĩ Neil tuyệt vời bởi cậu chịu ảnh hưởng bởi chủ nghĩa apartheid đến mức cậu buộc phải lên tiếng về nó, dưới một góc độ khác.”
 
7. Giải trí và thông điệp.
 
Để thông điệp về nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi có thể đến với công chúng rộng lớn hơn, Neil Blomkamp đã “phủ” lên nó một lớp vỏ hấp dẫn lôi cuốn: anh thực hiện một phim khoa học viễn tưởng hành động đầy tính giải trí.
 
Lồng vào câu chuyện về cuộc xung đột giữa những người hành tinh và loài người - một hình ảnh ẩn dụ cho những người da trắng và da đen ở Nam Phi - là câu chuyện hồi hộp, gay cấn và xúc động của một nhân viên làm việc ở tập đoàn MNU (tập đoàn Đa Quốc Gia chịu trách nhiệm quản lý và di dời những người hành tinh) khi anh mắc kẹt trong cuộc xung đột.
 
Đầy những pha hành động và kỹ xảo, “District 9” cuốn hút khán giả, nhưng cũng chiếm cảm tình giới phê bình phim khi hàng loạt nhà phê bình đã ngợi khen đây là bộ phim xuất sắc nhất của mùa hè năm nay.
 
8. Đánh nhanh, đánh mạnh với chiến lược quảng cáo độc đáo.
 

Ra mắt vào tháng 8/2009, nhưng đến tháng 5/2009, teaser đầu tiên của bộ phim mới được tung ra kèm theo bộ phim “X-Men Origins: Wolverine.” Trong ba tháng, các chiến dịch quảng cáo của “District 9” tập trung cao độ đủ để tạo nên những lời truyền tai nhau về bộ phim “bí ẩn” này.
 
Đội ngũ tiếp thị cho “District 9” sử dụng đồng thời cả viral marketing (tiếp thị trực tuyến) và guerilla marketing (tiếp thị du kích). Một “website” cho công ty MNU được thiết lập với đầy đủ thông tin, lịch sử của công ty cũng như người hành tinh cho phép khán giả tìm hiểu rõ hơn về tập đoàn này.
 
Trong khi đó, những khán giả không biết đến internet là gì vẫn có thể thấy những banner ghi rõ “trạm xe bus, ghế chờ, xe bus dành cho con người, cấm những ai không phải người sử dụng” - gợi nhớ đến những tấm biển tương tự đối xử phân biệt với những người da den ở Nam Phi.
 
9. Một câu chuyện xúc động lòng người.
 
Thế nhưng, trên hết tất cả những thứ màu mè bên ngoài kéo người xem đến rạp, chính câu chuyện xúc động về tình người.
 
“District 9” không đơn giản chỉ là câu chuyện về những người hành tinh, nạn phân biệt chủng tộc, mà đó còn là câu chuyện về một người đàn ông bình thường trong một tình huống bất thường đã phải chiến đấu để tồn tại và từ đó, anh phải đối mặt với cách con người đối xử với nhau và với những chủng loài khác họ.
 
Chính câu chuyện xúc động này đã đem đến thành công vang dội của “District 9” trong mùa hè năm nay./.

(TTVH&Đàn Ông/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục