Doanh nghiệp ở Đồng Nai hoạt động bình thường trở lại sau sự cố

Đến ngày 26/5, 203 trong số 204 doanh nghiệp tại Đồng Nai bị ảnh hưởng của sự cố tuần hành phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan, đã hoạt động trở lại bình thường.
Doanh nghiệp ở Đồng Nai hoạt động bình thường trở lại sau sự cố ảnh 1Công nhân Công ty Cổ phần May Đồng Nai (Donagamex). (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Ngày 27/5, ông Mai Văn Nhơn, Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, cho biết hầu hết các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của sự cố vào trung tuần tháng này đều đã hoạt động bình thường trở lại.

Theo thống kê của Ban quản lý các khu công nghiệp Ðồng Nai, có 204 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bị ảnh hưởng hoặc thiệt hại bởi các hành vi vi phạm pháp luật của một số đối tượng trong các cuộc tuần hành diễn ra ở địa phương này trong các ngày 13-14/5 nhằm phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu khí trong vùng biển của Việt Nam. Trong số đó, có 198 doanh nghiệp ở trong khu công nghiệp và sáu doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp.

Đến ngày 26/5, 203 trong số 204 doanh nghiệp hoạt động trở lại bình thường. Riêng chỉ có Công ty Amico có trụ sở ở khu công nghiệp Long Thành vẫn đang khẩn trương sửa chữa nhà xưởng, máy móc để khôi phục hoạt động sản xuất trong thời gian sớm nhất.

Ông Nhơn cho biết sau khi sự cố xảy ra, Ban quản lý các khu công nghiệp Ðồng Nai đã phối hợp thống kê tình trạng thiệt hại nhà xưởng, máy móc của các doanh nghiệp để có kiến nghị hỗ trợ phù hợp. Các bộ phận chuyên môn của Ban Quản lý đã làm việc cả thứ Bảy và Chủ nhật để thống kê thiệt hại của các doanh nghiệp và sớm báo cáo kết quả cho Ủy ban Nhân dân tỉnh để lên phương án hỗ trợ.

Cũng theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, trong số các doanh nghiệp bị thiệt hại hoạt động trở lại, nhiều doanh nghiệp đã tăng ca để cung ứng hàng kịp thời gian quy định. Trong khi đó, một số doanh nghiệp do máy móc bị đập phá hư hỏng nhiều đã tích cực khắc phục và đã phục hồi sản xuất nhưng hoạt động chưa hết công suất.

Công ty Cổ phần Johnson Wood (Việt Nam) có vốn đầu tư Đài Loan đóng tại Khu công nghiệp Tam Phước là một trong những công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong sự cố trên. Ông Phạm Xuân Nam, cán bộ Phòng Hành chính của công ty, cho biết nhiều loại hồ sơ, giấy tờ của doanh nghiệp bị cháy và thất lạc. Hiện nay, công ty đã khắc phục và đã hoạt động trở lại. 2.500 công nhân đang làm việc bình thường. Do số lượng hàng thành phẩm bị hủy hoại lớn nên công ty đã phải tăng ca đẩy nhanh tiến độ sản xuất để đáp ứng đủ nguồn hàng cho đối tác.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Perfect Vision - một doanh nghiệp có vốn đầu tư Đài Loan ở Khu công nghiệp Long Thành (huyện Long Thành), bị đốt phá. Sau khi xảy ra sự cố, công ty đã bắt tay vào sửa sang lại và tiếp tục tiến hành sản xuất ngay. Ông Shen Hsin Yuan, Phó Tổng Giám đốc Perfect Vision, chia sẻ: “Sau sự cố, chúng tôi khắc phục và hoạt động trở lại ngay. Nếu công ty chậm hoạt động, tổn thất sẽ lớn hơn, đặc biệt là việc làm, lương của công nhân. Chúng tôi đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam và mong muốn an ninh, trật tự được đảm bảo, không xảy ra sự cố đáng tiếc như vừa qua để yên tâm sản xuất."

Ông Imamura Tomofumi, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Mabuchi Motor Việt Nam (thành phố Biên Hòa) kiêm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đồng Nai, cho biết trong các ngày 13 và 14/5, nhiều đối tượng quá khích đã lợi dụng các cuộc tuần hành kéo đến các doanh nghiệp của Nhật Bản để đập phá, khiến 32 doanh nghiệp lo lắng, phải ngừng sản xuất. Đến nay, các doanh nghiệp này đã hoạt động trở lại. Một số doanh nghiệp Nhật Bản bị thiệt hại trong sự cố đó nhưng không yêu cầu tỉnh và Chính phủ Việt Nam bồi thường mà chỉ mong chính quyền tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và thắt chặt thêm mối quan hệ đã phát triển tốt đẹp trong những năm qua.

Ông Lê Văn Danh, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, cho biết đến nay, Hải quan tỉnh đã gửi những văn bản hướng dẫn cụ thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại. Đối với các trường hợp bị thiệt hại về máy vi tính, doanh nghiệp sẽ đến trực tiếp các chi cục Hải quan để sử dụng máy ở đây hoặc đề nghị cho khai báo bằng hình thức thủ công. Trong trường hợp doanh nghiệp bị mất mộc dấu, các chi cục sẽ cho sử dụng chứng từ chưa đóng dấu để xử lý và bổ sung chứng từ có dấu sau. Với trường hợp bị tiêu hủy, mất tờ khai, giấy tờ liên quan đến hải quan, doanh nghiệp đề nghị chi cục quản lý cho sao y và trước mắt, sẽ không xử phạt trường hợp này.

Về hỗ trợ thuế, ông Cao Ngọc Sơn, Phó phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ, cho biết sau khi xảy ra sự cố, Cục Thuế đã thành lập một tổ thường trực xuống để hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp. Trong công tác hoàn thuế, hiện tại, ngành thuế đang ưu tiên hoàn thuế cho các doanh nghiệp bị thiệt hại trong các sự cố vừa qua. Một số doanh nghiệp bị mất hoặc cháy giấy tờ hồ sơ liên quan đến thuế sẽ được hướng dẫn xử lý ngay mà không cần phải làm theo trình tự thủ tục thông thường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục