Doanh thu từ du lịch của tỉnh Thừa Thiên-Huế tăng gần 15%

Trong 11 tháng qua, Thừa Thiên-Huế đón đạt hơn 2,65 triệu khách du lịch, tăng 11,63% so với cùng kỳ; doanh thu từ du lịch đạt hơn 2.486 tỷ đồng, tăng 14,86%.
Doanh thu từ du lịch của tỉnh Thừa Thiên-Huế tăng gần 15% ảnh 1Hoàn thành việc tu bảo tồn và phục hồi di tích Tả Trà, Cung Diên Thọ - Đại Nội Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Trong 11 tháng qua, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đón đạt hơn 2,65 triệu lượt khách du lịch, tăng 11,63%; trong đó có hơn 935.000 lượt khách quốc tế, tăng 9,13%; doanh thu từ du lịch đạt hơn 2.486 tỷ đồng, tăng 14,86% so với cùng kỳ.

Như vậy, chỉ tiêu đón đạt 2,85 triệu lượt khách du lịch, với doanh thu du lịch đạt 2.700 tỷ đồng trong năm nay của Thừa Thiên-Huế hoàn toàn thực hiện được.

Trong tháng 12 này, ngành Du lịch Thừa Thiên-Huế tiếp tục xây dựng kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch theo chiến lược kích cầu du lịch của tỉnh; tích cực và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Tỉnh tăng cường xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù nhằm thu hút khách tham quan.

Ngoài hệ thống di tích Cố đô Huế, Thừa Thiên Huế có cơ chế hỗ trợ phát triển du lịch làng nghề, có giải pháp hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm làng nghề, để người dân địa phương ăn nên làm ra hơn từ việc tham gia du lịch cộng đồng.

Đáng chú ý, nằm trong dự án "Du lịch bền vững và có trách nhiệm" tại miền Trung của Việt Nam, trong thời gian còn lại của năm nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên-Huế phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc UNESCO, cùng với chính quyền địa phương triển khai các hoạt động để phát triển điểm đến du lịch cầu ngói Thanh Toàn tại xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy.

Dự án do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và UNESCO hỗ trợ đầu tư, với tổng nguồn vốn 230.000 USD. Các hoạt động sẽ tập trung vào 4 mục tiêu chính: phát triển sản phẩm, nâng cấp nhà trưng bày nông cụ, triển khai không gian ẩm thực làng quê, xây dựng và phát triển các gói tham quan theo chủ đề, tập huấn kỹ năng trong lĩnh vực du lịch và kinh doanh cho các nhóm cộng đồng, phát triển các kênh quảng bá thông qua các trang web, mạng xã hội, các diễn đàn phát triển truyền thông du lịch...

Từ nay đến 2015, tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục tăng cường quảng bá, kích cầu du lịch miền Trung, với điểm nhấn là hành trình di sản nối liền từ Quảng Nam-Đà Nẵng-Huế; trong đó Huế và Đà Nẵng đóng vai trò vừa là một điểm trung chuyển với hệ thống giao thông vận tải thuận lợi, vừa là một điểm dừng chân lý tưởng trước khi tiếp tục hành trình vào Nam, ra Bắc khám phá du lịch Việt Nam.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng thực hiện các gói kích cầu để thu hút khách du lịch đến Huế, kéo dài từ nay đến năm 2016 có chủ đề "Huế Xưa và Nay" với 3 tour đồng giá 1,999 triệu đồng trong 3 ngày 2 đêm gồm: Huế Xưa và Nay - Sắc thu Huế và hóa thân làm nghệ nhân; Huế Xưa và Nay - Nghỉ dưỡng khu nước khoáng nóng Alba Thanh Tân; Huế Xưa và Nay - Khám phá Bạch Mã.

Chương trình kích cầu du lịch này do 5 đơn vị lữ hành trên địa bàn liên kết thực hiện gồm: Vietravel Chi nhánh Huế, Công ty Du lịch Việt Nam - Hà Nội chi nhánh Huế, Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang Huế, Công ty cổ phần Đào tạo và Dịch vụ Du lịch Huế và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Bạn đường châu Á.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục