Đông Nam Á: 'Miếng bánh' béo bở với các công ty công nghệ Trung Quốc

Theo The Economist, những "gã khổng lồ" công nghệ của Trung Quốc đang trải qua một khoảng thời gian tồi tệ khi đối mặt với một loạt quy định siết chặt hoạt động kinh doanh.
Đông Nam Á: 'Miếng bánh' béo bở với các công ty công nghệ Trung Quốc ảnh 1Tập đoàn Tencent. (Nguồn: BBC)

Theo đánh giá của The Economist (Anh), khi môi trường kinh doanh xấu đi ở cả trong nước và phương Tây, Alibaba, Tencent và cũng như các "gã khổng lồ" công nghệ khác của Trung Quốc đang phải tìm kiếm thị trường thân thiện hơn, trong đó Đông Nam Á sẽ là điểm đến hàng đầu.

Theo The Economist, những "gã khổng lồ" công nghệ của Trung Quốc đang trải qua một khoảng thời gian tồi tệ. Tại quê nhà Trung Quốc, các tập đoàn này đang phải đối mặt với một loạt quy định siết chặt hoạt động kinh doanh.

Trong một động thái mới nhất, vào ngày 17/8, giới chức Trung Quốc đã đưa ra dự thảo các quy tắc chống độc quyền có thể làm tổn hại đến mô hình kinh doanh của những "gã khổng lồ" như Alibaba và Tencent.

Trong khi đó ở phương Tây, chính phủ các nước muốn gây khó khăn hơn cho các công ty Trung Quốc kinh doanh tại quốc gia của họ. Trong trường hợp của Mỹ, đó là hoạt động niêm yết cổ phiếu. Một số nhà quản lý tài sản toàn cầu đang gọi cổ phiếu công nghệ Trung Quốc là "không thể đầu tư."

Do đó, các tập đoàn này đang buộc phải tìm kiếm các thị trường xung quanh để có được môi trường kinh doan thân thiện hơn. Thị trường nước ngoài chiếm một tỷ trọng tương đối nhỏ trong doanh số bán hàng của các tập đoàn Trung Quốc. Tập đoàn Tencent kiếm được khoảng 5 tỷ USD doanh thu bên ngoài Trung Quốc Đại lục vào năm ngoái, tương đương chưa đến 8% tổng doanh thu.

Tương tự, có rất ít thu nhập của Alibaba đến từ nước ngoài, nên công ty này dường như không bận tâm đến việc công bố thông tin phân tích về địa lý. Tuy nhiên, nếu bắt đầu thì không có nơi nào nổi bật hơn Đông Nam Á.

Đông Nam Á là nơi sinh sống của gần 700 triệu dân, có các nền kinh tế số hóa nhanh chóng và quan trọng là không có các biện pháp cứng rắn về địa chính trị. Sau khi quan tâm đến những "đứa con cưng" trực tuyến ở Đông Nam Á như Lazada (một liên doanh thương mại điện tử do Alibaba sở hữu phần lớn) hoặc Sea Group (trong đó Tencent nắm giữ 23% cổ phần), những "gã khổng lồ" của Trung Quốc đang mở rộng trực tiếp sang Đông Nam Á nhiều hơn.

Năm ngoái, Alibaba đã mua một nửa tòa nhà 50 tầng ở Singapore, nơi được coi là trung tâm thương mại của khu vực. Tencent và ByteDance, chủ sở hữu chưa niêm yết của TikTok, một ứng dụng video ngắn nổi tiếng, cũng đã mở các trung tâm tại khu vực và bắt đầu tuyển dụng lao động địa phương.

Trong khi đó, điện toán đám mây đang mang đến một cơ hội cụ thể. Mặc dù tổng quy mô của thị trường điện toán đám mây ở Đông Nam Á còn tương đối nhỏ với mức dưới 2 tỷ USD một năm, con số này đã tăng hơn 50% vào năm 2020 và chưa có dấu hiệu chậm lại. Các công ty Trung Quốc cũng đang giành được thị phần lớn hơn bao giờ hết trong "miếng bánh khổng lồ" này, chủ yếu là từ Amazon Web Services (AWS), bộ phận đám mây của đế chế thương mại điện tử Mỹ.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Gartner, năm 2020, Tencent, Alibaba và Huawei chiếm 22% thị trường điện toán đám mây ở Đông Nam Á và các nền kinh tế nhỏ hơn của châu Á-Thái Bình Dương, tăng từ mức 18% của năm 2019. Điều này được minh chính qua việc Tencent mở trung tâm dữ liệu đầu tiên ở Indonesia và thứ hai ở Thái Lan. Vào tháng 6/2021, Alibaba cho biết họ sẽ xây dựng công ty đầu tiên tại Philippines.

Không giống như AWS và các đối thủ đám mây của Mỹ, Google Cloud hay Microsoft’s Azure, các công ty Trung Quốc rất thoải mái với nguyên tắc bản địa hóa dữ liệu. Nhiều chính phủ Đông Nam Á yêu cầu dữ liệu về công dân của họ phải được xử lý và lưu trữ trên lãnh thổ của họ.

[Các công ty nhà nước của Trung Quốc đầu tư vào ByteDance, Weibo]

Trong khi Microsoft và AWS công bố báo cáo yêu cầu dữ liệu mà chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật yêu cầu, các công ty Trung Quốc lại không. Điều này làm cho các dịch vụ của Trung Quốc trở nên hấp dẫn đối với các nhà chức trách không muốn thỏa hiệp với dữ liệu bản địa hóa, đồng thời cũng làm phức tạp thêm những nỗ lực "phôi thai" của Mỹ trong việc đàm phán về một hiệp định thương mại kỹ thuật số với các nước châu Á, vốn gần như chắc chắn sẽ cố gắng hạn chế nội địa hóa dữ liệu.

Tan Bin Ru, Giám đốc khu vực của OneConnect Financial Technology, một công ty con của tập đoàn bảo hiểm khổng lồ Ping An Trung Quốc cho biết, ngoài mục tiêu thu về doanh thu lớn, kinh doanh ở Đông Nam Á là một cách để học hỏi về những gì hoạt động bên ngoài Trung Quốc.

Đây là một môi trường vừa quen thuộc (với hàng triệu người nói tiếng Trung) vừa đa dạng (với các khu vực pháp lý khác nhau và nhiều mức thu nhập). Trong quá khứ, các công ty châu Á đã sử dụng khu vực này như một trụ cột để chinh phục toàn cầu, đáng chú ý nhất là Toyota, công ty này đã bắt đầu mở rộng ra quốc tế tại Thái Lan vào năm 1957. Những "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc rất muốn đi theo con đường này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục