Đồng nội tệ của các thị trường đang nổi ở châu Á giảm giá trong phiên giao dịch ngày 23/9, sau khi số liệu mới nhất cho thấy lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc tiếp tục suy giảm, làm gia tăng những quan ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu và đẩy nhà đầu tư đến với những tài sản an toàn hơn.
Các đồng tiền này trước đó đã từng mất giá khá mạnh trước triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất vào cuối năm nay, yếu tố mà theo các nhà phân tích, có thể dẫn đến khả năng có một đợt rút vốn mạnh ra khỏi các thị trường đang nổi để tìm đến những địa bàn có khả năng sinh lời cao hơn.
Theo số liệu do Caixin Insight Group mới công bố, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Trung Quốc trong tháng Chín đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Đây là chỉ số yếu kém mới nhất theo sau một loạt số liệu đáng thất vọng gần đây của nền kinh tế số hai thế giới, trong đó có số liệu về thương mại, đầu tư và chi tiêu tiêu dùng.
Một số nhà phân tích cho rằng chỉ số PMI yếu kém trên cho thấy nhu cầu từ các thị trường bên ngoài đối với hàng hóa Trung Quốc đã giảm đi và giá các mặt hàng xuất khẩu cũng hạ thấp hơn.
Chỉ số này cũng khiến thị trường thất vọng khi cho thấy kinh tế Trung Quốc rõ ràng vẫn đang tăng trưởng ngày càng chậm hơn và chưa thấy có những dấu hiệu đảo chiều. Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc là "động cơ" quan trọng cho tăng trưởng kinh tế thế giới và bất cứ dấu hiệu "hắt hơi sổ mũi" nào của nền kinh tế này cũng đều tác động đến các thị trường thế giới.
Vào chiều 23/9 tại thị trường Tokyo, 1 USD đổi được 120,06 yen, so với mức 120,14 yen/USD vào cuối phiên trước tại New York. Trong khi đó 1 euro đổi được 133,85 yen, so với 133,74 yen/euro của phiên trước. Đồng euro cũng giảm xuống còn 1,1124 USD, so với 1,1132 USD = 1 euro của phiên trước./.