Sau khi trồi sụt thảm hại so với USD hồi cuối năm ngoái, đồng ruble Nga lại đang cho thấy một diện mạo hoàn toàn khác biệt khi được đánh giá là một trong những đồng tiền thể hiện tốt nhất trên các thị trường trong năm 2015.
Điều này sẽ giúp kiềm chế lạm phát, song cũng là một vấn đề đáng lo ngại đối các ngành sản xuất trong nước của Nga khi hàng hóa nhập khẩu trở nên rẻ hơn.
Các ngành công nghiệp Nga từ vật liệu xây dựng cho tới sản xuất bia đã tận dụng lợi thế của đồng ruble suy yếu trước đây, thời điểm hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, để dần chiếm lĩnh thị phần trong nước.
Nikita Filippov, chủ sở hữu nhà máy sản xuất bia tại St. Petersburg cho biết: “Các loại bia nhập khẩu từ châu Âu tăng giá mạnh do đồng ruble suy yếu trước đây, trong khi các quán bar không thể nâng giá bán hơn nữa. Đó là thời khắc quan trọng khi các chủ quán bar phải tính toán lại lợi nhuận và cũng là lúc họ quay trở lại với các thương hiệu bia trong nước.”
Không chỉ ngành sản xuất bia, mà khu vực sản xuất vật liệu xây dựng và các công ty dầu mỏ cũng tận dụng lợi thế này, khi họ bán sản phẩm để thu về USD và kiếm được nhiều hơn khi quy đổi về đồng ruble, qua đó giải tỏa các sức ép tài chính.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đồng ruble bắt đầu tăng giá trở lại, Ngân hàng Trung ương Nga lại phải bắt đầu can thiệp vào các thị trường để ngăn chặn nguy cơ đồng ruble mạnh hơn nữa.
Sau khi giảm xuống gần 80 ruble đổi 1 USD hồi cuối năm 2014, đồng ruble đã phục hồi trở lại vào giao dịch quanh ngưỡng 52 ruble đổi 1 USD gần đây.
Sergei Guriev, chuyên gia kinh tế Nga nhận định: “Nhập khẩu giảm do sự suy yếu của đồng ruble, và ngược lại khi đồng ruble mạnh lên, giá hàng hóa nhập khẩu sẽ rẻ hơn.” Đối với phần đông dân số, đồng ruble giảm giá sẽ đẩy lạm phát lên, vì thế sự phục hồi đồng nội tệ là điều đáng khích lệ. Hơn hết, Nga muốn tránh đồng ruble biến động quá mức, khi điều này tạo ra các khó khăn cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Một số nhà kinh tế dự đoán tỷ giá đồng ruble sẽ duy trì ở ngưỡng 50-55 ruble đổi 1 USD trong năm nay./.