Du lịch Việt Nam: Chính sách thị thực giai đoạn mới sẽ thế nào?

Khi Chính phủ Việt Nam quyết định mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch từ 15/3, không chỉ doanh nghiệp lữ hành mà người dân cũng quan tâm tới chính sách thị thực sẽ áp dụng thế nào trong giai đoạn mới.
Hộ chiếu vaccine sẽ đồng hành cùng du khách quốc tế khi hoạt động du lịch mở cửa bình thường thời gian tới. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Hộ chiếu vaccine sẽ đồng hành cùng du khách quốc tế khi hoạt động du lịch mở cửa bình thường thời gian tới. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Để có thể mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15/3 tới, các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng dịch vụ… đang gấp rút hoàn thiện guồng máy vận hành, kế hoạch hoạt động cũng như truyền thông với đối tác sau thời gian dài gián đoạn và phấp phỏng “đóng-mở.”

Song, một trong những lo ngại của các đơn vị lữ hành chuyên khách inbound (khách nước ngoài đến Việt Nam) cũng như người dân trong nước có nhu cầu xuất ngoại hiện nay là chính sách thị thực giai đoạn mới sẽ có thay đổi như thế nào và hướng dẫn áp dụng ra sao?

Hộ chiếu vaccine Việt Nam

Tính đến ngày 16/2, có 14 quốc gia và vùng lãnh thổ chấp nhận công nhận hộ chiếu vaccine với Việt Nam (những nước khác có quy định riêng), bao gồm: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số đó, Nhật Bản hiện chưa mở cửa biên giới với du khách quốc tế.

Hộ chiếu vaccine gồm 11 thông tin: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, tên bệnh dịch, số mũi tiêm, ngày tiêm, liều số, vaccine, tên vaccine, nhà cung cấp hoặc sản xuất; mã số chứng nhận... Các thông tin trên sẽ được ký số, mã hóa và "đóng gói" dưới dạng mã QR định dạng 2D. Mã QR trên hộ chiếu vaccine sẽ hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày khởi tạo.

[Cần làm gì để không bỏ lỡ ‘thời cơ vàng' của du lịch Việt Nam?]

Quy trình cấp hộ chiếu vaccine cho công dân Việt Nam gồm ba bước. Một là, các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vaccine COVID-19.

Hai là, cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số trên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19. Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19.

Ba là, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vaccine COVID-19. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU.

Du lịch Việt Nam: Chính sách thị thực giai đoạn mới sẽ thế nào? ảnh 1Du khách sẽ sớm được xê dịch trở lại bình thường từ ngày 15/3 tới đây. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Du khách chỉ cần cung cấp mã QR được cấp cho riêng mình tại cửa khẩu khi đi du lịch, cùng giấy tờ liên quan phụ thuộc chính sách từng nước như xét nghiệm âm tính, bảo hiểm du lịch...

Với các quốc gia, vùng lãnh thổ chưa công nhận hộ chiếu vaccine Việt Nam, du khách vẫn có thể ghé thăm miễn đáp ứng đầy đủ điều kiện, chính sách của nước sở tại. Phần lớn các quốc gia này đều yêu cầu cung cấp giấy xét nghiệm âm tính, giấy tiêm chủng vaccine. Chính vì thế, du khách cần cập nhật tình hình với đại sứ quán các nước trước khi khởi hành.

Chẳng hạn như với Dubai (UAE), du khách cần mang theo giấy xét nghiệm PCR, chứng nhận đã tiêm vaccine hai mũi (bản giấy được cấp khi đi tiêm tại các cơ sở tiêm chủng), có công chứng và là bản song ngữ. Nếu không còn giữ tờ giấy này, du khách truy cập cổng thông tin tiêm chủng để tra cứu thông tin, in chứng nhận.

Hay với Thái Lan, du khách đăng ký thông qua chương trình Test & Go, được yêu cầu có Thailand Pass, sau đó nộp ảnh chân dung, chứng nhận tiêm vaccine từ cổng thông tin tiêm chủng, bản scan bảo hiểm, chứng nhận đặt khách sạn.

Với những khách du lịch theo tour, cung cấp các giấy tờ trên cho công ty lữ hành.

Sẽ sớm thống nhất quy định đón khách quốc tế

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, phía Việt Nam hiện vẫn đang công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine của 79 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Du lịch Việt Nam: Chính sách thị thực giai đoạn mới sẽ thế nào? ảnh 2Du lịch thời công nghệ số. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Về thời điểm cho phép khách nước ngoài xin thị thực du lịch và những điều kiện kèm theo khi mở cửa trở lại hoạt động du lịch quốc tế, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 17/2 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Vào ngày 16/2, Lãnh đạo Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm thống nhất nội dung, quy định đón khách quốc tế, hoàn thiện phương án mở cửa lại hoạt động du lịch và làm việc cụ thể với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan để khẩn trương có báo cáo chi tiết với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chính sách thị thực áp dụng đối với khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam.”

Về cơ bản, các thủ tục và đối tượng cấp thị thực sẽ được tiếp tục thực hiện theo các quy định của luật Việt Nam như Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2019.

Hiện người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng thân nhân mang giấy tờ nhập cảnh hợp lệ (thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thị thực, giấy miễn thị thực còn giá trị) được nhập cảnh Việt Nam theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đối với người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tiếp tục thực hiện theo Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Ngoài ra, du khách phải tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch đối với người nhập cảnh (áp dụng từ ngày 16/12/2021): Cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi) và thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh; người nhập cảnh đã tiêm đủ liều COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính tới ngày nhập cảnh phải theo dõi y tế tại nơi cư trú (nhà ở, khách sạn, trụ sở cơ quan đại diện, ký túc xá, nhà khách của cơ sở sản xuất, kinh doanh…) trong vòng 3 ngày kể từ ngày nhập cảnh…

Đặc biệt, để phù hợp bối cảnh mới, ông Nguyễn Quý Phương-Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, cho biết Việt Nam sẽ áp dụng visa điện tử, miễn thị thực đơn phương, song phương cùng nhiều chính sách lỏng hơn. Các đề xuất sẽ sớm được trình Chính phủ để ban hành hướng dẫn chi tiết trong thời gian tới.

Du lịch Việt Nam: Chính sách thị thực giai đoạn mới sẽ thế nào? ảnh 3Mẫu minh họa chứng nhận điện tử đã tiêm vaccine COVID-19 của Việt Nam trên thiết bị di động.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục