Đức thông báo tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng gió

Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định đến năm 2030, khoảng 2% diện tích đất của Đức sẽ được dùng để đặt tuabin gió và mỗi ngày trung bình sẽ có 4-5 tuabin gió trên đất liền được xây dựng.
Đức thông báo tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng gió ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết chính phủ đang lên kế hoạch đẩy nhanh việc xây dựng các tuabin gió ở nước này, khẳng định đến năm 2030, khoảng 2% diện tích đất của Đức sẽ được dùng để đặt tuabin gió.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trả lời phỏng vấn tuần báo “Bild am Sonntag” ra ngày 5/2, ông Scholz thông báo đến năm 2030, mỗi ngày trung bình sẽ có 4-5 tuabin gió trên đất liền được xây dựng, dù không cho biết chính xác tổng số tuabin sẽ xây dựng.

[Niềm tin người tiêu dùng Đức được cải thiện khi giá năng lượng giảm]

Ông nói: “Chúng tôi đang vạch ra một lộ trình về những hệ thống và thời điểm xây dựng, để có thể đạt được các mục tiêu vào năm 2030.”

Việc thúc đẩy thêm năng lượng gió được nêu trong “Đạo luật mới về năng lượng gió trên đất liền” của Đức đã được thông qua mùa Hè năm 2022, có hiệu lực từ đầu tháng 2/2023.

Để đạt được các mục tiêu, các nhà lãnh đạo của 16 bang của Đức phải dành đất và trình bày kế hoạch với chính phủ liên bang.

Nhà lãnh đạo Đức cho biết hằng tháng, sẽ có các cuộc thảo luận với các bang để xem lịch trình thực hiện. Nếu kế hoạch không hoàn thành đúng hạn sẽ được xem xét lại.

Theo luật mới, mỗi bang sẽ chịu trách nhiệm đề xuất không gian đất có thể xây dựng các tua-bin gió.

Ngoài ra, các bang cũng có thể tự quyết định về khoảng cách giữa các tua-bin, nếu không đủ diện tích đất cho các dự án điện gió, chính phủ liên bang có thể can thiệp và điều chỉnh các quy định của mỗi bang liên quan đến khoảng cách giữa các tua-bin.

Theo luật, 2% tổng diện tích đất đai của Đức phải được dành cho sử dụng năng lượng gió vào năm 2032.

Đến năm 2027, các bang phải đảm bảo ít nhất 1,4% diện tích đất trong cả nước được dành cho các dự án năng lượng gió.

Đức đã cam kết trở thành nước trung hòa khí thải carbon vào năm 2045, đồng thời vạch ra một loạt kế hoạch loại bỏ dần than đá.

Mặc dù đã đặt ra các mục tiêu khí hậu để giúp hạn chế sự nóng lên toàn cầu theo khuôn khổ Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu, Đức vẫn bị chỉ trích vì không đáp ứng các mục tiêu của mình.

Năm 2021, Đức không đáp ứng được các mục tiêu về lượng khí thải trong lĩnh vực giao thông và xây dựng.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy Đức tìm kiếm các đối tác nhiên liệu hóa thạch mới cũng như các nguồn năng lượng tái tạo và cả một số biện pháp ngắn hạn như khởi động các nhà máy nhiệt điện than./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục