EU cam kết đã và sẽ tiếp tục đứng bên cạnh Ukraine

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết EU đã luôn ủng hộ Ukraine ngay từ những ngày đầu của cuộc xung đột và sẽ tiếp tục đứng bên cạnh Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen phát biểu trong một cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: THX/TTTXVN)
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen phát biểu trong một cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: THX/TTTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 7/8 thông báo Liên minh châu Âu (EU) đã cung cấp hỗ trợ gần 108 tỷ euro (118 tỷ USD) cho Ukraine kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022, đồng thời nhấn mạnh khối sẽ đồng hành cùng Ukraine trong suốt thời gian cần thiết.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, bà von der Leyen cho biết EU đã luôn ủng hộ Ukraine ngay từ những ngày đầu của cuộc xung đột và sẽ tiếp tục đứng bên cạnh Ukraine.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết các nhà sản xuất vũ khí trong nước sẽ đảm bảo 70% giá trị các hợp đồng cung cấp vũ khí cho quân đội nước này trong năm 2024.

Theo phóng viên TTXVN tại Praha, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Dmytro Klimenkov cho biết tỷ lệ nêu trên vẫn có thể thay đổi tùy thuộc vào nhu cầu và năng lực sản xuất.

Ông Klimenkov cũng cho biết cơ quan mua sắm quốc phòng Ukraine đã ký hơn 20 hợp đồng với các nhà sản xuất vũ khí toàn cầu từ 10 quốc gia, chủ yếu là từ châu Âu và Mỹ, trong đó toàn bộ là những loại vũ khí đã được Bộ Quốc phòng nước này xác nhận.

Giám đốc cơ quan mua sắm quốc phòng Ukraine, bà Maryna Bezrukova nhấn mạnh các thiết bị có nhu cầu lớn trên chiến trường sẽ được chứng nhận nhanh hơn nhiều.

Theo bà, khung thời gian cho việc bàn giao thiết bị cho các đơn vị chiến đấu phụ thuộc vào các điều kiện cung cấp và hậu cần, chẳng hạn như thiết bị bay không người lái (UAV) DJI Mavic đã mua được chuyển giao nhanh chóng tới chiến tuyến, trong khi việc sản xuất các thiết bị mới phải mất nhiều thời gian hơn.

Bà cũng khẳng định cơ quan này đang nỗ lực hết sức để giảm thiểu tính chất quan liêu của các quy trình trên, qua đó giúp các thiết bị và vũ khí cần thiết đến được với chiến tuyến đúng thời hạn, giúp nâng cao hiệu quả mua sắm quốc phòng và tăng cường năng lực phòng thủ của Ukraine.

Trong một diễn biến khác, nhà thầu quốc phòng Mỹ Raytheon đã nhận được hợp đồng trị giá 478 triệu USD của Cơ quan Hỗ trợ và Mua sắm của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO (NSPA) để cung cấp tên lửa đánh chặn GEM-T cho Đức - loại vũ khí thay thế các tên lửa Patriot mà nước này cung cấp cho Ukraine.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn lời Tổng giám đốc NSPA Stacy A. Cummings cho biết: "Hợp đồng này một lần nữa chứng minh rằng NSPA, với tư cách là tổ chức hàng đầu của NATO về hỗ trợ và mua sắm đa quốc gia, cung cấp các giải pháp đa quốc gia hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho các quốc gia, đồng thời củng cố năng lực công nghiệp của châu Âu."

GEM-T là tên lửa đánh chặn được thiết kế để chống lại tên lửa đạn đạo chiến thuật một cách hiệu quả.

Hiện tại, Ukraine đang triển khai ít nhất 4 hệ thống Patriot, 3 hệ thống của Đức và 1 hệ thống do Mỹ cung cấp. Romania cũng cam kết sẽ cung cấp cho Kiev một khẩu đội, trong khi Hà Lan cho biết sẽ hợp tác với một quốc gia đối tác khác để cung cấp thêm một hệ thống hoàn chỉnh hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục