EU chia rẽ vì dự thảo kế hoạch ngân sách mới lên tới 1.200 tỷ USD

Phần Lan, Chủ tịch luân phiên của EU, đề xuất ngân sách mới của khối lên tới 1.100 tỷ euro, con số này đã làm “phật lòng” hầu hết 27 quốc gia thành viên EU.

Ngày 18/10, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận về kế hoạch ngân sách mới có thể cho phép EU chi tới 1.100 tỷ euro (1.200 tỷ USD) trong giai đoạn 2021-2027.

Nhưng sự chia rẽ sâu sắc giữa các chính phủ có thể khiến dự thảo này khó có thể nhận được sự đồng thuận trong nhiều tháng tới.

Theo đề xuất của Phần Lan, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, ngân sách dài hạn tiếp theo cần có quy mô tài chính tương đương từ 1,03-1,08% Tổng thu nhập quốc dân (GNI) của EU.

Điều đó sẽ cho phép khối này chi 1.000-1.100 tỷ euro trong 7 năm tới. Đây cũng sẽ là kế hoạch ngân sách đầu tiên của EU sau “vụ ly hôn” với nước Anh, một trong những quốc gia đóng góp hàng đầu cho ngân sách EU.

Sau cuộc họp, một số nhà lãnh đạo và quan chức EU nhận định các cuộc đàm phán là khá khó khăn.

Đề xuất của Phần Lan tỏ ra ít tham vọng hơn các đề xuất của Ủy ban châu Âu với mức ngân sách trị giá tương đương 1,1% GNI.

Nghị viện châu Âu thậm chí kêu gọi một ngân sách còn lớn hơn, tương đương 1,3% GNI của khối này.

[Kinh tế Eurozone vẫn ảm đạm dù tăng trưởng tín dụng tiếp tục đà đi lên]

Nhưng đề xuất của Phần Lan vẫn vượt quá giới hạn 1% GNI đề ra của Đức, nền kinh tế lớn nhất EU. Nó cũng làm “phật lòng” hầu hết 27 quốc gia thành viên EU, khiến các cuộc đàm phán về một thỏa hiệp nhiều khả năng sẽ kéo dài.

Một yếu tố khiến các nhà lãnh đạo EU chỉ trích đề xuất của Phần Lan là nước này muốn cắt giảm chi tiêu cho nông dân và các khu vực nghèo hơn.

Theo đề xuất, trợ cấp cho các khu vực nghèo sẽ giảm xuống dưới mức tương đương 30% ngân sách so với mức 34% như hiện nay. Khoản viện trợ cho nông dân cũng giảm xuống còn hơn 30% thay vì hơn 35% như hiện tại.

Để làm phức tạp vấn đề hơn nữa, dự thảo ngân sách mới cũng bao gồm các quy tắc về đình chỉ tài trợ cho các quốc gia thành viên với những thiếu sót về luật pháp, chẳng hạn như giới hạn về tự do truyền thông hoặc kiềm chế sự độc lập của các thẩm phán.

Cuộc họp ngày 18/10 không được cho là để tìm một sự thỏa hiệp, nhưng sự chia rẽ quá sâu sắc đến mức nhiều quan chức lo ngại một thỏa thuận có thể không đạt được trước thời hạn tháng 12 mà EU tự đặt ra trước đó.

Nếu thỏa thuận này không nhận được sự đồng thuận, nó sẽ trì hoãn việc tiến hành các chương trình chi tiêu của EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục