Fed gia nhập mạng lưới ngân hàng toàn cầu chống biến đổi khí hậu

Sau khi Fed và 7 ngân hàng khác tham gia với tư cách thành viên chính thức, NGFS đã mở rộng từ 8 thành viên sáng lập 3 năm trước đây lên 83 thành viên và 13 quan sát viên hiện nay.
Fed gia nhập mạng lưới ngân hàng toàn cầu chống biến đổi khí hậu ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 15/12, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức gia nhập một mạng lưới toàn cầu cùng các ngân hàng trung ương khác thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và giải quyết các rủi ro môi trường đối với hệ thống tài chính.

Theo đó, sau một năm cộng tác với Mạng lưới các ngân hàng trung ương và cơ quan giám sát thúc đẩy xanh hóa hệ thống tài chính (NGFS), Fed đã chính thức trở thành thành viên của mạng lưới này, cùng với các ngân hàng trung ương khác như Ngân hàng trung ương Anh (BOE), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Mexico...

NGFS được thành lập trong khuôn khổ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, với mục tiêu tăng cường vai trò của hệ thống tài chính trong quản lý rủi ro và huy động vốn cho các dự án đầu tư xanh và ít carbon.

Sau khi Fed và 7 ngân hàng khác tham gia với tư cách thành viên chính thức, NGFS đã mở rộng từ 8 thành viên sáng lập 3 năm trước đây lên 83 thành viên và 13 quan sát viên hiện nay.

[Fed dự kiến không thay đổi chính sách tiền tệ trong cuộc họp cuối 2020]

Trong thông báo mới, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định với những hiểu biết ngày càng đầy đủ hơn về cách hiệu quả nhất để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với hệ thống tài chính, Fed mong muốn tiếp tục duy trì và tăng cường thảo luận với các đối tác trong NGFS trên toàn thế giới.

Về phần mình, Chủ tịch NGFS Frank Elderson nhấn mạnh dù hoạt động của mạng lưới đã đạt tiến bộ trong 3 năm qua nhưng vẫn cần nhiều nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Trong đó, ông Elderson nêu rõ nỗ lực chung để đảm bảo hoàn thành mục tiêu trung hòa khí carbon và ứng phó với những nguy cơ mà cuộc khủng hoảng khí hậu có thể gây ra đối với hệ thống tài chính.

Động thái mới của Fed cho thấy rõ khả năng Mỹ sẽ gia tăng vai trò dẫn dắt, góp phần định hình phản ứng của các thị trường tài chính thế giới đối với tình trạng ấm lên toàn cầu.

Nhiều năm qua, Fed vẫn đứng bên lề hoặc chỉ có những động thái ở hậu trường dù các ngân hàng trung ương khác trên thế giới liên tục thúc đẩy các biện pháp quản lý và nghiên cứu nhằm giảm thiểu tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu.

Giới phân tích cũng dự đoán chính quyền mới ở Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ gia tăng áp lực yêu cầu các cơ quan quản lý chủ động tham gia cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu thông qua hệ thống tài chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục