Tại cuộc họp diễn ra trong hai ngày 26-27/1, cuộc họp đầu tiên sau quyết định nâng lãi suất vào tháng 12/2015, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ tập trung vào vấn đề lạm phát thấp, nhưng sẽ không có bất kỳ hành động nào về chính sách.
Sau cuộc họp vào tháng 12 năm ngoái, một số quan chức Fed đã coi sức ép giảm phát là một rủi ro lớn, dù các dấu hiệu khác như tạo việc làm cho thấy tăng trưởng kinh tế vững ổn.
Giá dầu đã giảm gần 20% trong bốn tuần sau cuộc họp vào tháng 12 năm ngoái của Fed và mặc dù các quan chức Fed nhận định tác động từ việc giá dầu thấp sẽ qua nhanh, nhưng mức đáy của giá dầu vẫn chưa thật rõ ràng, từ đó gây sức ép lên lạm phát. Vì vậy, sự chú ý đang hướng đến việc Fed đánh giá ra sao về những rủi ro khi giá cả tiếp tục đi xuống.
Dự báo đưa ra tháng 12 của Fed có nói đến khả năng tăng lãi suất bốn lần, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm, trong năm nay, đưa lãi suất lên 1,25% vào cuối năm. Tuy nhiên, nếu lạm phát vẫn yếu, lãi suất có thể tăng chậm hơn (chỉ là hai lần) và sẽ chưa được bắt đầu đến giữa năm.
Giá tiêu dùng nói chung tại Mỹ giảm trong tháng trước, và giá tiêu dùng không tính thực phẩm và nhiên liệu tăng chỉ 0,1%. Fed đã duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng để đưa lạm phát lên mức mục tiêu 2%, nhưng cho đến nay mục tiêu này vẫn còn xa.
Các nhà phân tích cho rằng trong thông báo chính sách sau cuộc họp, Fed có thể chỉ bày tỏ lo ngại về các sức ép gia tăng trên toàn cầu, khẳng định sẽ cân nhắc những diễn biến trên toàn cầu trong việc quyết định thời điểm cho các lần tăng lãi suất tới. Fed được cho là sẽ thừa nhận tình hình kinh tế toàn cầu đã xấu đi kể từ cuộc họp tháng 12, nhưng tình hình kinh tế Mỹ không có gì thay đổi.
Triển vọng kinh tế toàn cầu xấu hơn trong những tháng gần đây, với mối lo ngại lớn nhất là về tình trạng giảm tốc ở Trung Quốc và tình hình trì trệ tại các nền kinh tế mới nổi khác như Brazil và Nga. Trong lúc các thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh và giá dầu lao dốc. Tuần trước, giá dầu rơi xuống mức thấp nhất trong 12 năm là 28,15 USD/thùng.
Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ dự bảo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay xuống 3,4%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái./.