Fed sẽ 'nhấn phanh' ngừng nới lỏng tiền tệ sau cuộc họp tuần này?

Theo nhiều chuyên gia, Fed có thể “nhấn phanh” tạm dừng chính sách hạ lãi suất của mình và đặt ra nhiều yêu cầu hơn cho những động thái tương tự trong tương lai.
Fed sẽ 'nhấn phanh' ngừng nới lỏng tiền tệ sau cuộc họp tuần này? ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ ở Washington DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ cắt giảm lãi suất lần thứ ba trong năm nay sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày 29-30/10, một động thái giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu “hạ nhiệt.”

Nhưng tiếp theo đó sẽ là gì? Theo nhiều chuyên gia, Fed có thể “nhấn phanh” tạm dừng chính sách hạ lãi suất của mình và đặt ra nhiều yêu cầu hơn cho những động thái tương tự trong tương lai.

Công cụ FedWatch của công ty tài chính CME Group nhận định khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản là 95,1% tính đến hết ngày thứ Hai (28/10). Khi đó, lãi suất liên bang của Mỹ - mức lãi suất ngắn hạn ảnh hưởng đến việc người đi vay phải trả bao nhiêu cho các khoản vay mua ôtô, thẻ tín dụng và thế chấp - sẽ xuống mức tương đối thấp là 1,5-1,75%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chỉ số chứng khoán S&P 500 đã đóng cửa ở mức kỷ lục vào thứ Hai (28/10) và tỷ lệ thất nghiệp tháng 9/2019 tại Mỹ vẫn quanh mức thấp nhất trong nửa thế kỷ qua, nhu cầu thực sự về việc giảm lãi suất khá mơ hồ.

Do đó, giới quan sát nhận định lần cắt giảm này là nhằm mục đích “bảo hiểm,” tương tự như những gì Fed đã thực hiện hồi cuối những năm 1990 để duy trì đà mở rộng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong giai đoạn 1995-1996, Fed đã có ba lần cắt giảm lãi suất. Tương tự, hồi năm 1998, ngân hàng trung ương của Mỹ cũng có số lần hạ lãi suất như trên nhằm tránh những ảnh hưởng từ tình trạng vỡ nợ tại Liên bang Nga và sự sụp đổ của quỹ dự phòng Long-Term Capital Management.

Vì vậy, nhà kinh tế trưởng Bob Baur tại công ty tư vấn tài chính Principal Global Investors cho rằng các thị trường vẫn nhận định Fed chắc chắn thực hiện lần cắt giảm “bảo hiểm” thứ ba trong năm nay.

Nhưng thị trường cũng đang chuẩn bị cho một sự đảo chiều quan điểm theo hướng thắt chặt chính sách hơn của Fed. Hoàn toàn có khả năng sau ba lần giảm lãi suất với tổng cộng 75 điểm cơ bản, Fed sẽ báo hiệu chính sách nới lỏng đã hoàn tất, ít nhất là vào thời điểm hiện tại.

[Chính sách lãi suất âm có giúp ngăn kinh tế rơi vào suy thoái?]

Theo ông Michael Lewis, người đứng đầu công ty tư vấn kinh tế Free Market Inc., kịch bản trên có khả năng xảy ra, nhất là khi tính đến bối cảnh thị trường chứng khoán và nền kinh tế vẫn đang hoạt động tốt.

Ngoài ra, hai yếu tố bên ngoài then chốt mà Mỹ phải đối mặt là cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và vụ “ly hôn” giữa nước Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng đều cho thấy sự tiến bộ.

Trong khi đó, nhóm các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Deutsche Bank cho rằng điều gần như chắc chắn sẽ thay đổi là trong thông báo của mình, Fed sẽ đưa ra các yêu cầu cao hơn cho quyết định cắt giảm lãi suất lần tới.

Deutsche Bank nhận định các yêu cầu cắt giảm có thể thay đổi từ việc Fed không thấy sự cải thiện trong các số liệu kinh tế sang việc cần có thêm những dấu hiệu suy giảm của nền kinh tế.

Do vậy, những số liệu kinh tế được công bố trong tuần này nhiều khả năng không ảnh hưởng lớn đến các nhà hoạch định chính sách hoặc cho những người tham gia thị trường thêm các chỉ dấu cụ thể.

Số liệu ban đầu về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III năm 2019 của Mỹ sẽ được công bố vào sáng 30/10 (theo giờ Mỹ), đúng vào ngày Fed ra thông báo lãi suất.

Theo ước tính mới nhất của Fed chi nhánh Atlanta, kinh tế Mỹ trong quý III đạt mức tăng trưởng 1,7% so với cùng kỳ năm 2018 (số liệu đã được điều chỉnh theo lạm phát). Sau đó, báo cáo việc làm tháng 10/2019 sẽ được công bố vào sáng thứ Sáu (1/11).

Song báo cáo này có thể cung cấp ít thông tin hơn bình thường do các tác động của cuộc đình công tại các cơ sở của nhà sản xuất ôtô General Motors.

Nhà kinh tế trưởng Michelle Girard của công ty tư vấn đầu tư Natwest Markets cho rằng tại cuộc họp báo sau cuộc họp của Fed, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ nhấn mạnh bản chất của đợt cắt giảm lãi suất lần này là để duy trì đà tăng trưởng kinh tế Mỹ, đồng thời nêu rõ những động thái tương tự trong tương lai sẽ phụ thuộc vào các số liệu cụ thể.

Ngoài ra, người đứng đầu Fed cũng có thể đề cập tới những giao dịch thu mua trái phiếu kho bạc được công bố gần đây của ngân hàng này là để quản lý kho dự trữ, không phải sự nối lại chính sách nới lỏng định lượng trước đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục