Ngày 28/6, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã thông qua tất cả các kế hoạch trả cổ tức cho các cổ đông của 34 ngân hàng lớn nước này, sau khi các thể chế tài chính này xuất sắc vượt qua kỳ sát hạch khả năng sẵn sàng chống chịu trong tình huống xảy ra khủng hoảng tài chính.
Việc thông qua này là lần đầu tiên kể từ năm 2009 - thời điểm Fed tiến hành cuộc sát hạch thường niên đầu tiên với các ngân hàng, ngân hàng trung ương Mỹ không phản đối các kế hoạch liên quan tới vốn của các ngân hàng trong nước.
34 "đại gia" ngân hàng trong diện sát hạch năm nay chiếm tới hơn 75% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Mỹ.
Theo giới chức Mỹ, việc các ngân hàng trên vượt qua được bài kiểm tra cho thấy khả năng phục hồi của các ngân hàng đã được cải thiện đáng kể, sẵn sàng ứng phó với một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, từ đó đảm bảo tốt hoạt động cho vay đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp trong nước.
Kết quả tích cực này được đã "bật đèn xanh" cho các ngân hàng của Mỹ triển khai các kế hoạch chi trả cổ tức một cách hào phóng cho các cổ đông. Ví dụ như Bank of American, ban lãnh đạo ngân hàng đã tăng 60% giá trị cổ tức lên mức 12 cent/cổ phiếu và dự kiến trong năm tới, tổng cổ tức chi trả của sẽ là 12 tỷ USD. Trong khi đó, JPMorgan Chase cũng tăng cổ tức lên mức 56 cent/cổ phiếu (tăng 6 cent/cổ phiếu). Các cổ đông của Wells Fargo được hưởng mức cổ tức 39 cent/cổ phiếu.
Thông tin này đã được các cổ đông của nhiều ngân hàng đón nhận tích cực. Tuy nhiên, kế hoạch chi trả cổ tức này cũng vấp phải những ý kiến trái chiều của các chuyên gia kinh tế với lập luận rằng những khoản chi trả lớn như vậy là không cần thiết và lẽ ra nên được dùng để tái đầu tư vào các hoạt động kinh doanh nền tảng của ngân hàng như cho vay...
[Fed vẫn để ngỏ khả năng nới lỏng một số quy định ngân hàng]
Trước đó, trong giai đoạn một của cuộc sát hạch được tiến hành ngày 22/6, tất cả 34 ngân hàng đều đã vượt qua đợt kiểm tra áp lực về khả năng xử lý một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Fed đưa ra "kịch bản" suy thoái kinh tế toàn cầu u ám hơn cả cuộc khủng hoảng năm 2008, với tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng lên mức 10%, giá bất động sản giảm 35% và xuất hiện nhiều sức ép đối với các thị trường tín dụng doanh nghiệp.
Theo kết quả, từ đó khiến 34 ngân hàng trên thua lỗ tới 383 tỷ USD trong gần hai năm. Khi đó, tỷ lệ tài sản được đánh giá có nguy cơ rủi ro cao trên vốn sẽ giảm từ 12,5% xuống hơn 9%. Tỷ lệ này vốn là thước đo quan trọng để đánh giá tiềm lực vốn của một ngân hàng, hay nói cách khác là sự ổn định của ngân hàng đó.
Giới chức Fed nhấn mạnh kết quả kỳ sát hạch nói trên cho thấy dù trải qua một thời kỳ suy thoái kinh tế nghiêm trọng, nhưng "các ông lớn" ngân hàng của Mỹ vẫn làm tốt vai trò vốn hóa, đảm bảo hoạt động cho vay trong toàn bộ chu kỳ kinh tế, đồng thời hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp vào những thời điểm khó khăn./.