Fitch hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Fitch nhận định cho tới cuối năm 2021, kinh tế Mỹ và châu Âu vẫn chưa thể phục hồi như trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Fitch hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ xuống còn -3,3%. (Ảnh: THX/TTXVN)
Fitch hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ xuống còn -3,3%. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong báo cáo công bố mới đây, hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Fitch đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm nay từ mức 1,3% xuống còn -1,9%, khi các doanh nghiệp trên toàn thế giới đều rơi vào khó khăn do những biện pháp quyết liệt của các quốc gia nhằm ngăn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.

Cụ thể, Fitch đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của một loạt các nước lớn như Mỹ từ mức 1% xuống -3,3%; Liên minh châu Âu (EU) từ -0,4% xuống -4,2%; Trung Quốc từ 3,7% xuống 1,6%.

Đặc biệt, Fitch nhận định rằng cho tới cuối năm 2021, kinh tế Mỹ và châu Âu vẫn chưa thể phục hồi như trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Do tác động của dịch COVID-19, chỉ số Quản lý thu mua (PMI) của Hong Kong (Trung Quốc) trong tháng 3 dù đã tăng nhẹ so với tháng 2 vừa qua, nhưng vẫn ở mức thấp thứ hai trong lịch sử của khu hành chính đặc biệt này kể từ tháng 7/1998.

Phóng viên TTXVN tại Hong Kong dẫn nguồn tổ chức IHS Markit cho biết sau khi được điều chỉnh yếu tố mùa vụ, PMI Hong Kong đã tăng nhẹ từ 33,1 trong tháng 2 lên 34,9 trong tháng 3.

Chỉ số PMI trung bình trong quý 1/2020 là 38,3. Giới doanh nghiệp Hong Kong lo ngại rằng thế giới sẽ áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt hơn, tác động tiêu cực đến môi trường kinh tế và khiến kinh tế Hong Kong trong quý 2 tiếp tục chìm sâu vào suy thoái.

Fitch hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 27/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thời gian qua, các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã khiến khối lượng công việc của các doanh nghiệp bị sụt giảm, tổng số đơn đặt hàng mới thu hẹp hơn, tương tự như mức thấp lịch sử vào tháng 2.

Do thiếu nguồn cung nghiêm trọng, giá cả các sản phẩm đầu vào trong tháng 3 đã tăng hơn, nhưng chi phí nhân viên lại giảm rõ rệt, khiến tổng chi phí đầu vào giảm tháng thứ 5 liên tiếp.

Mức giảm này cũng là mức giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nay.

Liên quan đến các doanh nghiệp, hãng điện tử Samsung Electronics (Hàn Quốc) ngày 3/4 đã thông báo sẽ tạm dừng hoạt động của nhà máy sản xuất đồ gia dụng tại Mỹ, sau khi có 2 công nhân tại đây dương tính với virus SARS-CoV-2.

Công ty xác nhận nhà máy tại hạt Newberry, thuộc bang Nam Carolina hiện đang được dọn dẹp và khử trùng.

Dự kiến nhà máy sẽ hoạt động trở lại vào ngày 6/3 tới.

[WB thông qua đợt đầu trong kế hoạch tài trợ khẩn trị giá 160 tỷ USD]

Tại Nhật Bản, tập đoàn Toyota Motor Corp tuyên bố sẽ tạm dừng 7 dây chuyền sản xuất tại 5 nhà máy do dịch bệnh khiến nhu cầu trên thế giới giảm mạnh.

Trong số này có nhà máy Tsutsumi và Tahara tại tỉnh Aichi, miền Trung Nhật Bản, chuyên sản xuất ôtô để xuất khẩu.

Việc tạm dừng hoạt động sẽ khiến sản lượng của Toyota bị giảm khoảng 36.000 chiếc.

Trong khi đó, nhà máy Miyata tại tỉnh Fukuoka sẽ ngừng hoạt động cho đến ngày 15/4 tới.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc vào cuối năm ngoái, ngành sản xuất ôtô toàn cầu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sức tiêu thụ thấp, nguồn cung bị gián đoạn và công nhân không thể tới nhà máy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục