Giá dầu thế giới giảm nhẹ do sức ép từ nhu cầu xăng của Mỹ yếu đi

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố báo cáo cho thấy lượng dầu thô dự trữ giảm 3,3 triệu thùng xuống 230,8 triệu thùng, cho thấy nhu cầu yếu đi tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.

Xe chở xăng dầu gần nhà máy lọc dầu ở El Paso, Texas, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Xe chở xăng dầu gần nhà máy lọc dầu ở El Paso, Texas, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên 21/3, chịu áp lực từ dữ liệu về nhu cầu xăng yếu hơn của Mỹ và các báo cáo về dự thảo nghị quyết của Mỹ tại Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn ở dải Gaza.

Phiên này, giá dầu thô Brent giao tháng 5/2024 giảm 17 xu Mỹ (tương đương 0,2%) xuống 85,78 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao cùng kỳ hạn cũng giảm 20 xu Mỹ (0,3%) xuống 81,07 USD/thùng.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm 20/3 công bố báo cáo cho thấy lượng dầu thô dự trữ tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này đã bất ngờ giảm trong tuần trước.

Mặc dù lượng xăng dự trữ giảm tuần thứ bảy liên tiếp (giảm 3,3 triệu thùng xuống 230,8 triệu thùng), lượng tiêu thụ xăng - đại diện cho nhu cầu về sản phẩm này - lại giảm xuống dưới ngưỡng 9 triệu thùng.

Theo ông Bob Yawger, người phụ trách thị trường năng lượng kỳ hạn tại ngân hàng Mizuho, sự sụt giảm cho thấy xăng dầu có thể đã bị mua vào quá mức. Trong khi đó, đây vốn là nền tảng cho đợt phục hồi thị trường gần đây.

Ông Yawger cho biết thêm, giá dầu cũng chịu áp lực bởi những xác nhận rằng Mỹ đã soạn thảo một nghị quyết trình lên Liên hợp quốc nhằm kêu gọi ngừng bắn tại dải Gaza.

Ngược lại, thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên triển vọng sẽ cắt giảm lãi suất ba lần trong năm nay đã phần nào xoa dịu tâm lý nhà đầu tư.

Vì lãi suất thấp hơn có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, là tin tốt cho doanh số bán dầu.

Các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga cũng thúc đẩy các nhà đầu tư giao dịch dầu thô với giá cao hơn.

Lý do là vì những diễn biến này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu toàn cầu.

Các nhà phân tích cho rằng sự gián đoạn kéo dài có thể buộc các nhà sản xuất Nga phải giảm nguồn cung, nếu họ không thể xuất khẩu dầu thô và phải đối mặt với những hạn chế về kho dự trữ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục