Grab phản hồi về vụ tài xế Grabbike đình công vì chiết khấu mới

Việc tăng chiết khấu lên 23% chỉ áp dụng với tài xế Grabbike có doanh thu 100 triệu đồng/năm. Grab Việt Nam chỉ kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh thu.
Grab phản hồi về vụ tài xế Grabbike đình công vì chiết khấu mới ảnh 1Ứng dụng phần mềm gọi xe của Grab. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Liên quan đến việc nhiều tài xế Grabbike Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã kêu gọi tắt ứng dụng, đình công hoặc “book ảo” (đặt những chuyến đi ảo nhưng không thực hiện) để phản đối mức chiết khấu mới mà Grab áp dụng từ đầu năm 2018 lên tới 23%, ông Nguyễn Trung Thành Giám đốc bộ phận GrabBike và GrabExpress cho biết, việc tăng chiết khấu lên 23% chỉ áp dụng với tài xế có doanh thu 100 triệu đồng/năm.

Theo ông Thành, từ ngày 1/1/2018, theo hướng dẫn của cơ quan thuế, Grab Việt Nam sẽ thực hiện việc kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế dựa trên tỷ lệ phần trăm trên doanh thu cho các đối tác tài xế GrabBike và GrabExpress.

[Yêu cầu rà soát việc xuất hóa đơn, nộp thuế 200 đối tác của Grab]

Cụ thể, Grab Việt Nam sẽ khấu trừ 4,5% nghĩa vụ thuế (bao gồm 3% thuế giá trị gia tăng và 1,5% thuế thu nhập cá nhân) trên 80% doanh thu mà đối tác nhận được, tương đương 3,6%.

Ngoài ra, với các khoản phí hỗ trợ từ Grab dành cho đối tác căn cứ theo thành tích số chuyến xe hoặc doanh thu, Grab sẽ khấu trừ 1%; với các khoản phí hỗ trợ khác từ Grab không mang tính chất doanh thu, Grab sẽ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân 10%.

Trong năm 2016 và 2017, để hỗ trợ cho các đối tác tài xế mô tô 2 bánh, Grab Việt Nam đã dùng ngân sách công ty để nộp hộ và hoàn thành nghĩa vụ thuế cho đối tác. Việc thực hiện kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế từ ngày 1/1/2018 được thực hiện đúng theo công văn số 1531/TCT- TNCN Tổng Cục Thuế ngày 20/04/2017 về việc Chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân tham gia mô hình hoạt động của GrabBike và GrabExpress.

“Đây không phải là chính sách từ Grab Việt Nam nhằm tăng mức phí sử dụng ứng dụng Grab đối với đối tác. Việc kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế chỉ áp dụng với những đối tác GrabBike và GrabExpress có mức doanh thu bắt buộc phải nộp thuế là trên 100 triệu đồng/năm. Nghĩa vụ thuế này sẽ được Grab Việt Nam thu hộ và nộp vào ngân sách Nhà nước đúng theo quy định của pháp luật,” ông Thành khẳng định.

Đến nay, Grab là công ty đầu tiên và duy nhất giúp thu hộ và nộp hộ thuế cho dịch vụ môtô 2 bánh, cùng phối hợp với các đối tác để thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế đối với ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, Tổng Cục Thuế đã xác nhận Grab Việt Nam đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ thuế trong 3 năm 2014-2016 khi tại thông báo số 14393/TB-CCT-KK,KTT&TH của Chi cục Thuế quận 10 ngày 27/11/2017 cũng đã xác nhận kỳ kê khai thuế 10 tháng của năm 2017 Grab đã nộp ngân sách Nhà nước một khoản nghĩa vụ thuế tổng cộng là 142,3 tỷ đồng.

[Uber, Grab lỗ nghìn tỷ vì giảm giá tối đa để ‘giết’ taxi truyền thống?]

Trước đó, Grab từng bất ngờ nâng mức chiết khấu từ 15% lên 20% vào tháng 8/2017. Lần tăng chiết khấu đầu tiên này đã gặp phải phản ứng rất gay gắt khi hàng loạt tài xế tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội kêu gọi tắt ứng dụng, đình công.

Việc tăng chiết khấu và giảm bớt hỗ trợ so với giai đoạn đầu khiến doanh thu của các tài xế Grabbike không còn được như trước kia, chưa kể phải cạnh tranh gay gắt do số lượng tài xế nhiều.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục