Hà Nội lên phương án kịp thời cách ly các trường hợp nghi nhiễm nCoV

Sở Y tế Hà Nội cần rà soát, triển khai, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô lên phương án khi dịch bệnh ở mức cao nhất, từ bệnh viện dã chiến đến vấn đề quản lý đời sống của nhân dân.
Hà Nội lên phương án kịp thời cách ly các trường hợp nghi nhiễm nCoV ảnh 1Khu vực cách ly. Ảnh minh họa. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Chiều 10/2, tại hội nghị giao ban trực tuyến của Ban chỉ đạo Phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết tại Hà Nội, mặc dù đến nay chưa ghi nhận ca dương tính với nCoV, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện ca mắc từ những trường hợp trở về từ vùng dịch.

Với đặc điểm lây lan nhanh của dịch bệnh, không loại trừ khả năng dịch bùng phát và lan rộng khi có trường hợp mắc trên địa bàn thành phố.

Do vậy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các sở, ngành và chính quyền địa phương cần tiếp tục nâng cao sự chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; kiểm soát chặt chẽ các trường hợp về từ vùng dịch, kịp thời phát hiện ca nghi ngờ mắc bệnh để cách ly, điều trị, bao vây, khoanh vùng xử lý với mục tiêu không để xuất hiện ca bệnh thứ phát; đồng thời yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức vệ sinh môi trường, lau chùi khử khuẩn, phun thuốc theo hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội.

[Hà Nội có 699 người đến từ vùng dịch đang được giám sát y tế]

Đối với nơi công cộng, phải vệ sinh, diệt khuẩn, cơ quan có trách nhiệm phải quan tâm khu trường học, nếu tình hình dịch bệnh không diễn biến xấu hơn thì cho phép học sinh đi học.

Về vấn đề lễ hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng nêu quan điểm rằng những lễ hội nào chưa khai mạc thì dừng, còn đã khai mạc thì phải có phương án hạn chế, có biện pháp phòng tránh dịch bệnh lây lan.

Ngoài ra, lãnh đạo các sở, quận, huyện, thị xã cần tăng cường công tác tuyên truyền theo khuyến cáo của Bộ Y tế, có hướng dẫn để người dân hiểu về dịch bệnh, tránh tình trạng phát tán thông tin không tốt.

Đặc biệt, Sở Y tế Hà Nội cần rà soát, triển khai, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô lên phương án khi dịch bệnh ở mức cao nhất, từ bệnh viện dã chiến đến vấn đề quản lý đời sống của nhân dân; Sở Tài chính Hà Nội cần nghiên cứu, tham mưu, có chính sách tài chính đối với người bị cách ly, lưu trú quá ngày, để công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV đạt hiệu quả cao nhất.

Cũng tại hội nghị, đại diện lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết quận đang gặp khó bởi có trường hợp du khách chỉ thuê khách sạn vài ngày, nhưng theo quyết định thì phải cách ly thì phải đủ 14 ngày, vậy thời gian du khách ở thêm ngày trong khách sạn để cách ly thì tính chi phí chi trả thế nào.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết Sở đã có hướng dẫn các quận huyện về mức chi trong công tác phòng chống dịch. 

Về khó khăn mà quận Hoàn Kiếm nêu, lãnh đạo thành phố cho biết hiện không có quy định bố trí ngân sách để trả thêm tiền khách sạn trong thời gian cách ly. Do đó, người thuộc diện cách ly có thể tự chi trả, hoặc có thể được chuyển về cơ sở y tế cách ly của thành phố.

Báo cáo về tình hình dịch bệnh nCoV trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết tính đến 15 giờ ngày 10/2, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp dương tính với nCoV.

Hiện có 53 trường hợp bị nghi nhiễm nCoV đang được giám sát tại bệnh viện (7 trường hợp đến từ Vũ Hán, 42 trường hợp đến từ các vùng khác của Trung Quốc, 4 trường hợp công tác tại sân bay Nội Bài). Trong đó, 49 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV và 4 trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm và tiếp tục được cách ly, theo dõi chặt chẽ (2 trường hợp ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, 1 trường hợp ở Bệnh viện Đống Đa, 1 trường hợp ở Bệnh viện Nhi Trung ương).

Ngoài ra, có 1.471 người được cách ly y tế và theo dõi giám sát sức khỏe do có tiền sử đi từ vùng dịch hoặc đi qua vùng dịch về. Hiện tại trên toàn địa bàn thành phố còn 861 người phải tiếp tục được cách ly để theo dõi sức khỏe.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh qua Cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, đồng thời triển khai việc áp dụng tờ khai y tế khi nhập cảnh tại cửa khẩu.

Thực hiện việc cách ly phòng chống dịch đối với các trường hợp nhập cảnh, kể cả người nước ngoài nhập cảnh đến từ vùng dịch hoặc đi qua 31/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc trong vòng 14 ngày theo đúng chỉ đạo tại văn bản số 164/TTg-KGVX ngày 3/2/2020 của Phó Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, chiều ngày 9/2, Đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phối hợp cùng một số đơn vị nghiệp vụ kiểm tra hành chính căn biệt thự liền kề tại dãy BT6 ở khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông. Lực lượng chức năng phát hiện 50 thùng carton chứa một lượng lớn khẩu trang y tế do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và đã xác định được chủ lô khẩu trang là một công dân Trung Quốc.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, thu giữ số hàng để tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục