Hà Nội: Nhiều hàng quán không chấp hành quy định phòng chống dịch

Hiện nay tại Hà Nội vẫn còn xuất hiện nhiều hàng quán và người dân lơ là, chủ quan, không thực hiện biện pháp phòng dịch như không đeo khẩu trang, tụ tập đông người, không đảm bảo giãn cách...
Hà Nội: Nhiều hàng quán không chấp hành quy định phòng chống dịch ảnh 1Các hàng quán tại phố Ngọc Lâm (quận Long Biên) bán trong nhà nay lấn chiếm vỉa hè để bán cho khách. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, từ 0 giờ ngày 16/2, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã yêu cầu đóng cửa tất cả các quán ăn đường phố, trà đá vỉa hè, càphê và tạm thời dừng việc mở cửa các cơ sở di tích, đình chùa để phòng, chống dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Sau một tuần thực hiện chỉ đạo này, bên cạnh những hàng quán thực hiện tốt quy định về phòng chống dịch, hiện nay vẫn còn xuất hiện nhiều hàng quán và người dân lơ là, chủ quan, không thực hiện biện pháp phòng dịch như không đeo khẩu trang, tụ tập đông người, không đảm bảo giãn cách...

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, tại phố Hàng Bún, Thụy Khuê, Nguyễn Đình Thi, Quán Thánh, Phan Đình Phùng...có rất nhiều quán trà đá đang hoạt động. Khi thấy lực lượng chức năng, chủ quán thu dọn bàn ghế rất nhanh nhưng qua thời điểm kiểm tra chỉ vài phút, họ lại mang ra bán tiếp như chưa có chuyện gì xảy ra.

[Bốn lý do khiến Hà Nội kiểm soát tốt đại dịch COVID-19]

Một số quán càphê mặc dù bên ngoài treo biển chỉ bán mang về nhưng bên trong vẫn có khách. Điều đáng lo ngại là các quán càphê này đều đông khách, ngồi san sát nhau, cửa đóng giữa chừng để "che mắt" lực lượng chức năng và khi bị phát hiện sẽ lập tức đóng được ngay. Tại một số địa điểm trên phố Hàng Chiếu (quận Hoàn Kiếm), cả người dân và người bán hàng ăn đều không tuân thủ giãn cách, bày bàn ghế ra vỉa hè ngồi.

Tương tự, tại quận Long Biên, vào thời điểm không có sự kiểm tra của lực lượng chức năng phường, các hàng quán ăn uống tại phố Ngọc Lâm vốn bày bán trong nhà nay lấn chiếm cả vỉa hè để bán cho khách. Tình trạng này thường diễn ra vào buổi sáng và buổi trưa, khi lượng người tới các quán ăn rất đông.

Hầu như các quán lấn chiếm vỉa hè thường không đảm bảo an toàn, giữa người với người và giữa các bàn không có sự giãn cách tối thiểu. Hay tại một quán bia đông khách trên phố Bồ Đề, các bàn ăn không có vách ngăn và mỗi bàn lại có 5 đến 7 người...

Có thể thấy, bên cạnh không ít chủ hàng quán đường phố và người dân chưa có ý thức, trách nhiệm và còn chủ quan trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh, việc người dân trên địa bàn Thủ đô đang tập trung đông người để mua hàng "cứu trợ" tại các địa điểm bán nông sản giúp bà con vùng dịch Hải Dương cũng đang là vấn đề lo ngại về việc không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Một số người dân lo ngại việc những điểm bán hàng nông sản đông đúc người đến mua hàn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Việc bao tiêu nông sản, chia sẻ khó khăn với bà con vùng dịch lúc này rất cần kíp và cần diễn ra khẩn trương như chống dịch. Song, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, rất cần có cách tổ chức tiêu thụ nông sản vùng dịch bài bản, chuyên nghiệp. Việc tiêu thụ phải được tổ chức tại những điểm bán hàng sạch, nông sản được kiểm nghiệm và việc mua bán cần được tiến hành trong giãn cách an toàn.

Cũng theo ghi nhận thực tế của phóng viên, sau 1 tuần thực hiện chỉ đạo của thành phố Hà Nội, các cơ sở di tích, đình chùa đã tạm thời dừng việc mở cửa cho phật tử và du khách vào lễ đầu Xuân. Để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, các chủ đình, đền, chùa… đều phải ký cam kết với chính quyền địa phương về các phương án phòng dịch, đặc biệt là không được tự ý mở cửa các cơ sở tín ngưỡng, cho tập trung đông người khi chưa có quyết định mới của thành phố.

Việc làm này đã hạn chế rất nhiều tình trạng cố tình vi phạm quy định. Một số người dân chưa biết các quy định nên đến cửa chùa cũng chỉ thành tâm vái vọng vào bên trong, hạn chế rất nhiều số lượng người dân cố đi lễ bằng mọi cách.

Trước thông tin về tình trạng "cò" chèo kéo khách đi lễ "chui" tại Chùa Hương, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nội cho biết, Sở đã đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức, Ban Quản lý danh thắng Hương Sơn phải tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, nhắc nhở nhân dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống dịch, không vì thu lợi của bản thân để xảy ra hậu quả lây lan dịch cho cộng đồng.

Trong thời gian tới, dự báo tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, kéo dài, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục giao Thanh tra Sở thường xuyên kiểm tra việc chấp hành chỉ đạo của Trung ương và thành phố trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các di tích; chủ động nắm bắt thông tin qua các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội và đường dây nóng của Sở về việc chấp hành các quy phòng, chống dịch bệnh để kịp thời xử lý đối với các cơ sở tín ngưỡng cố tình vi phạm./.

Hà Nội: Nhiều hàng quán không chấp hành quy định phòng chống dịch ảnh 2Một quán bia đông khách trên phố Bồ Đề (quận Long Biên). (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục