Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thành phố đang phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ đưa tỷ lệ các trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia lên mức 65-70%. Trong đó, riêng cấp trung học phổ thông công lập đạt chuẩn sẽ đạt mức 85-90%.
Giai đoạn 2016-2020, toàn thành phố sẽ phấn đấu xây dựng thêm 350 trường đạt chuẩn quốc gia.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng cho biết quá trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia hiện gặp khó khăn về quỹ đất tại các quận nội thành, nơi có định mức học sinh cao hơn quy định. Hiện nay, cấp học có tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đang ở mức thấp là mầm non (38,1%) và trung học phổ thông (44%).
Một số huyện có điều kiện kinh tế khó khăn khiến việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cũng gặp nhiều trở ngại, nhất là các huyện có xã miền núi như Phú Xuyên, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Quốc Oai, Thạch Thất và Chương Mỹ.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố, số trường chuẩn quốc gia đến thời hạn công nhận lại tăng nhanh; số phòng học tạm, phòng học bán kiên cố xuống cấp ở các huyện, thị xã còn nhiều (khoảng 2.200 phòng)...
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020, trong đó ưu tiên cấp học mầm non và trung học phổ thông; hỗ trợ kinh phí cho các huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia thấp và điều kiện kinh tế khó khăn.
Đồng thời, thành phố và các đơn vị cũng cần hỗ trợ kinh phí xóa phòng học tạm, phòng học bán kiên cố đã xuống cấp cho các huyện, thị xã; tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và bổ sung quỹ đất để xây dựng trường học cho các quận nội thành có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia thấp và định mức học sinh quá cao như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai...
Giai đoạn 2011- 2015, Hà Nội có thêm 537 trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, đưa tỷ lệ trường đạt chuẩn toàn thành phố lên mức 44,8%. Trong đó, quận Long Biên và Bắc Từ Liêm là hai đơn vị có tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt trên 80%./.