Ngày 18/11, Hàn Quốc và Mỹ tổ chức vòng đàm phán về thứ 3 vấn đề chia sẻ chi phí duy trì sự hiện diện của binh lính Mỹ tại quốc gia châu Á này để tiến tới ký kết Thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt (SMA) lần thứ 11.
Trưởng đoàn Hàn Quốc Jeong Eun-bo và người đồng cấp Mỹ James DeHart chủ trì vòng đàm phán kéo dài hai ngày tại Seoul.
Hai bên sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề chính còn chưa được thống nhất như phần chi phí tổng cộng mà phía Seoul cùng chia sẻ và những nội dung cần đưa vào thỏa thuận chia sẻ chi phí.
Vòng đàm phán mới diễn ra trong bối cảnh thời gian gần đây, Washington liên tục gia tăng áp lực để Seoul chấp nhận chia sẻ một phần chi phí lớn hơn cho Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) với khoảng 28.500 binh sỹ.
Truyền thông Hàn Quốc đưa tin Washington yêu cầu Seoul góp gần 5 tỷ USD trong năm 2020 cho các khoản chi phí liên quan tới các hoạt động tập trận chung và để hỗ trợ thân nhân của các binh lính thuộc USFK.
Nhiều tổ chức tại Hàn Quốc đã tuần hành kêu gọi Seoul tuyên bố đóng băng các khoản đóng góp tài chính cho USFK và chỉ trích yêu cầu của Washington về việc tăng chi phí đóng góp.
[Mỹ yêu cầu Tokyo chi trả gấp 5 lần cho lực lượng đồn trú tại Nhật Bản]
Theo thỏa thuận hiện tại, dự kiến hết hiệu lực vào cuối năm 2019, Seoul đồng ý đóng góp 870 triệu USD.
Trả lời phỏng vấn báo giới khi vừa đặt chân tới sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc chiều 17/11, ông DeHart nhận định, hai nước Hàn-Mỹ còn rất nhiều việc phải làm để có thể đạt được nhất trí về mức chia sẻ công bằng.
Tuy nhiên, ông tin tưởng hai bên cuối cùng sẽ đạt được thỏa thuận giúp tăng cường mối quan hệ đồng minh.
Trước đó, Hàn-Mỹ đã tổ chức vòng đàm phán đầu tiên tại Seoul từ ngày 24-25/9 và vòng đàm phán thứ 2 tại Hawaii (Mỹ) từ ngày 23-24/10 (giờ địa phương) nhưng chưa thể tìm được tiếng nói chung.
Kể từ năm 1991, Seoul bắt đầu chia sẻ tài chính duy trì sự hiện diện của USFK tại Hàn Quốc theo SMA trong đó bao gồm các chi phí thuê người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự và một số hoạt động hỗ trợ khác./.