Hậu quả thảm họa tràn dầu kéo dài nhiều thập kỷ

Các thảm dầu trên mặt Vịnh Mexico đã biến mất nhưng tác hại của thảm họa "thủy triều đen" này sẽ còn kéo dài đến nhiều thập kỷ.
Sự cố rò rỉ giếng dầu của Tập đoàn năng lượng Anh BP ở Vịnh Mexico gần như đã được khắc phục. Tuy nhiên, các nhà khoa học thế giới cảnh báo tác hại của thảm họa này sẽ còn kéo dài nhiều thập kỷ.

Mặc dù BP đã bịt thành công giếng dầu bị tràn ở Vịnh Mexico, ảnh hưởng của thảm họa tràn dầu về lâu dài đối với những người dân sinh sống dọc bờ biển phía Nam nước Mỹ và cả thế hệ con cháu của họ cũng như hệ sinh thái trong vùng vịnh vẫn chưa thể dự đoán được.

Theo nhóm nghiên cứu của Trung tâm Quốc gia về Ứng phó với thảm họa (NCDP) thuộc Đại học Columbia, trong số 1.200 cư dân ven biển giáp Vịnh Mexico tham gia cuộc khảo cứu hồi tháng trước, có tới 1/3 số này cho biết con cái họ gặp các vấn đề về tâm thần, hành vi hoặc thể chất kể từ khi xảy ra thảm họa tràn dầu của BP.

Đa phần những đứa trẻ này mắc các bệnh về đường hô hấp, phát ban, hoặc có biểu hiện buồn bực, nóng nảy, khó hòa đồng với những đứa trẻ khác.

Tiến sĩ Ed Cake - nhà hải dương học và sinh vật học biển của Mỹ nhấn mạnh, vụ nổ giàn khoan của BP hồi tháng Tư năm nay lớn hơn rất nhiều so với vụ nổ giàn khoan dầu Ixtoc-1 trên Vịnh Campeche thuộc Mexico năm 1979 và thảm họa chìm tàu chở dầu Exxon Valdez trên vùng bờ biển Alaska Mỹ năm 1989.

Tác hại của vụ chìm tàu Exxon Valdez vẫn còn dai dẳng sau 21 năm, trong khi hậu quả của thảm họa nổ giàn khoan Ixtoc-1 vẫn còn cảm nhận được sau 31 năm.

Nhà hải dương học James Cowan, làm việc tại Đại học Tổng hợp bang Louisiana, Mỹ cho biết dầu tràn sẽ tác động đến vùng nước sâu.

Lý do của việc thảm dầu biến mất là vì với hóa chất phân giải độc mà BP đổ xuống biển để làm tan thảm dầu, chỉ có 25% lượng dầu nổi lên mặt nước, và những phần nhẹ trong số đó bốc hơi dưới ánh nắng Mặt Trời.

Còn lại là những hạt vô cùng nhỏ (cỡ bằng hạt cát) chìm sâu xuống những vùng trũng, và có thể hàng chục năm sau mới nổi lên khi có bão. Các hạt nhỏ này không chỉ độc mà còn ráp, chúng có thể dính vào các dải đá ngầm và cản trở hệ san hô sống ở đó phát triển.

Theo ông Cowan, điều đáng lo ngại không phải là những thiệt hại trước mắt, vì hệ sinh thái có khả năng chống chọi tốt với các thảm họa nhất thời. Điều nguy hiểm là tác động thường xuyên và lâu dài của các chất độc hại.

Ví dụ như hai thập kỷ sau thảm họa tràn dầu từ tàu Exxon Valdez, việc sinh sản của loài cá trích ở vùng biển Alaska vẫn chưa trở lại bình thường. Vì vậy, nhà khoa học này không đồng ý giải quyết dầu tràn bằng cách đẩy dầu ra khỏi bờ để tránh sự phẫn nộ của công chúng trước những gì trông thấy ngay trước mắt, như các động vật chết trên mặt nước.

Giới khoa học Mỹ lưu ý rằng thảm họa tràn dầu của BP sẽ phá hủy nghiêm trọng môi trường Vịnh Mexico, nhất là khi BP tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo ở các vùng nước nông nhằm chặn nguồn dầu tiến vào các khu vực bờ biển.

Tác động sinh học của việc xây dựng các đảo này lớn hơn nhiều tác động vật lý, đặc biệt đối với các sinh vật biển và vi sinh vật. Một khối lượng lớn dầu sẽ thâm nhập vào các sinh vật biển, gây tác hại đến tiến trình sinh trưởng và tồn tại lâu dài của chúng.

Giới khoa học Mỹ và quốc tế lo ngại sâu sắc về khả năng toàn bộ môi trường sinh thái Vịnh Mexico bị nhiễm độc, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ động thực vật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục