Hệ lụy dai dẳng từ cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu

Cuộc khủng hoảng người di cư đang để lại những hệ lụy dai dẳng tại châu Âu, nơi các quốc gia đang bị chia rẽ vì vấn nạn này trên nhiều bình diện.
Hệ lụy dai dẳng từ cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu ảnh 1Người di cư Iraq mắc kẹt trong một cánh rừng gần Narewka thuộc Ba Lan, giáp giới với Belarus, ngày 9/11/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Căng thẳng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Belarus đã dâng cao trong những tuần gần đây, với việc Brussels cáo buộc quốc gia Đông Âu này khuyến khích người di cư từ các nước thứ ba đổ bộ ồ ạt ở biên giới với Ba Lan, làm bùng lên các cuộc đụng độ bạo lực với lực lượng biên phòng Ba Lan.

Trong khi đó, Belarus đã lên tiếng biện hộ cho hành động không chìa tay giúp đỡ trong vấn đề này, nói rằng họ đang hành động trên cơ sở nhân đạo và phủ nhận việc đẩy người di cư về phía Tây để tiến vào EU.

Thay vào đó, họ cáo buộc Ba Lan lợi dụng “sức mạnh quân sự” chống lại dân thường không có vũ khí, khiến nhiều người bị thương và buộc hàng nghìn người phải ở lại trong những khu rừng thưa ở biên giới giữa hai quốc gia trong cái rét lạnh giá nhiều tuần liền.

Mỗi ngày lại có thêm nhiều người tị nạn ở biên giới Belarus. Họ đã trả nhiều nghìn USD cho môi giới để được qua định cư tại châu Âu. Tuy nhiên, kế hoạch của họ bị đổ bể: Ba Lan điều hàng nghìn quân nhân đến biên giới và xây dựng hàng rào dây thép gai dọc biên giới.

Những người di cư bất hợp pháp bắt đầu di chuyển đến khu vực này từ tháng 5/2021, sau khi Minsk tăng mạnh số lượng các chuyến bay thẳng từ Baghdad và Istanbul. Những người di cư này chủ yếu là những người chạy trốn khỏi Iraq, Syria và Afghanistan.

Châu Âu chia rẽ

Cách đây một vài năm, Tây Âu đã nhất trí ủng hộ quan điểm chung về vấn đề nhập cư, nhưng dần dần châu Âu bị chia rẽ ý kiến vì vấn nạn này. Quy chế Dublin - được thông qua vào năm 2013 và vẫn còn hiệu lực - quy định rằng những người xin tị nạn phải nộp đơn tại quốc gia EU nơi họ nhập cảnh đầu tiên.

Các quốc gia khác không bắt buộc phải tiếp nhận người tị nạn. Điều này không phù hợp với các quốc gia châu Âu giáp Địa Trung Hải, nơi có dòng người di cư từ vùng Maghreb đổ về.

Quá mệt mỏi với tình trạng này, Italy, Malta, Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus đã yêu cầu bãi bỏ Thỏa thuận Dublin. Năm 2020, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã ủng hộ đề xuất này nhưng Hội đồng EU vẫn chưa đồng ý.

Tuy nhiên, Quy chế Dublin không phải là đạo luật, đây là một tài liệu đưa ra các khuyến nghị. Trên thực tế, mỗi chính phủ hành động theo quyết định của riêng mình. Do đó, Brussels đang tìm kiếm những cách thức hiệu quả hơn để giải quyết vấn đề di cư.

Ý tưởng chính là phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư. Một phương án thay thế là hỗ trợ tài chính cho các nước châu Á và châu Phi để đổi lấy việc các nước này hạn chế dòng người tị nạn tiến vào châu Âu. Tuy nhiên, hiện chưa có sự thống nhất về cả hai phương án này.

Ví dụ, năm nay Pháp đã thông qua luật “củng cố sự tôn trọng các nguyên tắc nền cộng hòa.” Hiện nay, Pháp thực hiện chính sách giáo dục bắt buộc đối với tất cả trẻ em sống trong nước. Ngoài ra, chính quyền giám sát các khoản trợ cấp của nước ngoài cho các cộng đồng tôn giáo.

[Phái đoàn Liên hợp quốc thăm khu vực biên giới Ba Lan-Belarus]

Đan Mạch thậm chí còn đi xa hơn, hạn chế dân không phải gốc Âu xuống 30% ở 15 khu dân cư. Đức vẫn là quốc gia EU hiếu khách nhất đối với người di cư.

Vào năm 2015, Thủ tướng Đức Angela Merkel “phớt lờ” Quốc hội nước này và các quy định Dublin, đã mở cửa biên giới cho cho tất cả những người tị nạn Syria - bất kể họ đi qua quốc gia nào.

Theo The Guardian, kể từ đó, hơn một nửa số người nhập cư đã tìm được việc làm và bắt đầu nộp thuế. Tuy nhiên, tình hình ở biên giới Ba Lan-Belarus khiến Berlin lo lắng. Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer cho biết hàng trăm sỹ quan cảnh sát đang ở biên giới Ba Lan và bộ sẵn sàng cử thêm nhiều người tới đó.

Thổ Nhĩ Kỳ - kẻ châm mồi lửa

Tuy nhiên, trong trò chơi địa chính trị này dường như còn có một kẻ thứ ba đang lặng lẽ châm ngòi mà không lo sợ bị trừng phạt: đó là Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 9/11, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cáo buộc Ankara “phối hợp với Minsk và Moskva” để châm ngòi cuộc khủng hoảng di dân chống lại EU.

Theo tường thuật của tờ Middle East Eye, nguyên nhân là nhiều chuyến máy bay từ Thổ Nhĩ Kỳ đến sân bay Minsk do hãng hàng không quốc gia Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ khai thác dường như đã được sử dụng để chở người di dân đến Belarus.

Trang mạng kênh phát thanh France Culture còn dẫn lại một cuộc điều tra của New York Times, dường như cũng khẳng định vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều người Kurdistan ở Iraq và Syria đã phải trả những khoản tiền lớn 3.000 euro cho những hãng lữ hành tổ chức những chuyến đi trọn gói đến châu Âu thông qua ngả Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ.

France Culture cũng dẫn thông tin từ một nhật báo cánh tả Thổ Nhĩ Kỳ BirGün khẳng định phần đông số di dân vốn đang gây ra những căng thẳng ở biên giới Belarus và Ba Lan đều trung chuyển qua ngả Istanbul và bắt các chuyến bay của hãng Turkish Airlines, hãng hàng không duy nhất cùng với hãng Belavia của Belarus và Aeroflot của Nga còn duy trì các chuyến bay đến Minsk.

Hệ lụy dai dẳng từ cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu ảnh 2Người di cư tại khu vực Grodno, biên giới Belarus-Ba Lan, ngày 8/11/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước những lời cáo buộc này, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11/11 đã lên tiếng phủ nhận. Đáp trả cáo buộc của Vacsava, chính quyền Ankara lên tiếng mời các chuyên viên kỹ thuật Ba Lan đến xem xét các dữ liệu hàng không của Turkish Airlines. Tuy nhiên, những cử chỉ này của Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể xóa tan được mối hoài nghi từ nhiều nước EU về “bàn tay” của Ankara.

Thứ nhất, theo Jean-Thomas Lesueur, chuyên gia Viện Thomas More, khi trả lời phỏng vấn báo Le Figaro, hãng hàng không Aeroflot (nhà nước Nga chiếm đến 51% cổ phần) và Turkish Airlines (nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ giữ 49% cổ phần) “đã có những đóng góp quyết định cho việc chuyên chở di dân sang Belarus,” dựa trên các nguồn tin từ cơ quan tình báo Đức.

Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ có thể được cho là “rất dày dạn kinh nghiệm” trong việc sử dụng “vũ khí di dân.” Trang mạng Greek City Times nhắc lại năm 1990, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thời bấy giờ là ông Turgut Özal từng có một tuyên bố đầy khiêu khích: “Thổ Nhĩ Kỳ không cần gây chiến với Hy Lạp. Chúng tôi chỉ cần gửi đến nước này vài triệu dân nhập cư.”

Bài học này đã được nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, Recep Tayyip Erdogan - một người rất thực dụng - áp dụng một cách hoàn hảo trong các cuộc khủng hoảng di dân năm 2015 và 2020, hòng gây áp lực với EU để cuối cùng có được khoản hỗ trợ tài chính 6 tỷ euro giúp trang trải các chi phí ngăn chặn dòng chảy di dân như cam kết với EU. Và đó là một cam kết mà Ankara không bao giờ thực hiện đầy đủ.

Cuối cùng, trong cuộc khủng hoảng này, người ta còn quên rằng giữa Ankara và Minsk có một mối quan hệ rất mật thiết, cả trên bình diện cá nhân lẫn chính trị giữa hai nước, ngay từ những năm cuối thập niên 2000.

Nhà báo Ariane Bonzon, trong một bài viết trên Le Monde Diplomatique (tháng 12/2020), từng viết rằng với Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Trung Quốc là một điểm tựa để đa dạng hóa chính sách đối ngoại, tháo gỡ bớt vòng kềm tỏa của người “anh cả” Nga, mà không cần phải ngả theo châu Âu, vốn không bao giờ chấp nhận một kẻ độc tài.

Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus là một mối lợi kinh tế và ngoại giao, nhằm thoát khỏi sự cô lập và tìm kiếm một sự tiếp sức thế mạnh trong không gian hậu Xô Viết, một lá bài quan trọng để đối phó với Nga. Vậy thì tại sao Ankara không đưa tay cứu giúp người “anh em kết nghĩa” hiện cũng đang trong cơn khốn đốn? Liệu lần này EU có trừng phạt Turkish Airlines như tuyên bố hay không?

Hệ lụy dai dẳng từ cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu ảnh 3Cảnh sát dỡ bỏ trại tị nạn của người di cư ở Grande-Synthe, gần cảng Dunkirk, miền Bắc Pháp - một trong những điểm chính để khởi hành đi Anh, ngày 16/11/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Karol Wasilewski, chuyên gia về quan hệ quốc tế, khi trả lời Wyborcza Gazeta, cảnh báo: “Trong vụ việc này, Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một nước tầm thường nào đó, đây là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Với danh nghĩa này, Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Ba Lan và EU. Việc trừng phạt hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ sẽ là một ‘đòn ngoại giao lớn mà Brussels chỉ dùng vào phút chót'”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục