Hình dung về bức tranh nghèo đói ở châu Phi trong tương lai

Gánh nặng nghèo đói toàn cầu hiện nay tập trung chủ yếu tại châu Phi với hơn 150 triệu người sống trong tình trạng nghèo cùng cực ở hai nước Nigeria và Cộng hòa Dân chủ Congo.
Hình dung về bức tranh nghèo đói ở châu Phi trong tương lai ảnh 1Người tị nạn tại tỉnh Ituri, Đông Bắc Cộng hòa Dân chủ Congo, ngày 13/6/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trang mạng dailymaverick.co.za ngày 2/3 đăng bài phân tích về mức độ nghèo đói trong tương lai ở châu Phi, nội dung như sau:

Theo World Data Lab, gánh nặng nghèo đói toàn cầu hiện nay tập trung chủ yếu tại châu Phi với hơn 150 triệu người sống trong tình trạng nghèo cùng cực ở hai nước Nigeria và Cộng hòa Dân chủ Congo.

Các dự đoán của World Data Lab ước tính châu Phi sẽ chiếm gần 80% các quốc gia toàn cầu không thể xóa đói giảm nghèo vào năm 2030 và "Lục địa Đen" sẽ chiếm hơn 90% người sống trong nghèo đói vào thời điểm đó.

Vào tháng 9/2020, các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc sẽ kết thúc năm thứ 5 của chu kỳ đánh giá.

[Châu Phi năm 2020: “Mảnh đất của cơ hội” cho các nhà đầu tư]

Trong khi các nước vẫn còn nhiều thời gian để triển khai các chính sách tích cực hơn trước khi các SDG hết hạn vào năm 2030, 5 năm là khoảng thời gian cần thiết để đánh giá về những tiến bộ đã đạt được cũng như những việc cần tiếp tục thực hiện.

Năm 2015, Liên hợp quốc quy định các SDG gồm 17 nhóm mục tiêu phát triển với 169 mục tiêu cụ thể nhằm thúc đẩy các giải pháp toàn diện, từ biến đổi khí hậu đến quy hoạch đô thị cũng như bình đẳng giới và nhiều nội dung khác.

Tuy nhiên, về cơ bản, SDG tập trung vào vấn đề giảm nghèo bởi Liên hợp quốc quy định "các SDG là một cam kết táo bạo để hoàn thành những gì chúng ta đã bắt đầu (tức là các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ) và chấm dứt nghèo đói dưới mọi hình thức, mức độ vào năm 2030."

Thực tế, xét theo SDG, châu Phi có cả mặt được và chưa được. Khoảng 40% dân số châu Phi đang sống dưới mức 1,9 USD/ngày. Số người ở khu vực phía Nam Sahara châu Phi sống trong nghèo đói cao gấp đôi so với nhóm người này ở Nam Á - khu vực nghèo thứ hai trên toàn cầu.

Theo dự báo từ các Mô hình hóa tương lai quốc tế (IF) do Trung tâm tương lai quốc tế Frederick S. Pardee thuộc Đại học Denver đưa ra, năm 2020, khu vực phía Nam Sahara châu Phi chiếm khoảng 60% dân số toàn cầu sống trong nghèo đói.

Dường như có tiến bộ nhất định nếu xét theo tỷ lệ nghèo đói của khu vực phía Nam Sahara châu Phi chiếm khoảng 70% số lượng người nghèo đói toàn thế giới hồi năm 2015.

Đánh giá này cũng phù hợp với báo cáo gần đây của Viện Brookings với nhận định rằng lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, số người châu Phi thoát khỏi nghèo đói nhiều hơn so với những người bị cuốn vào vòng xoáy này.

Tuy nhiên, đó là cái nhìn phiến diện bởi nền kinh tế toàn cầu đã và đang phát triển với tốc độ chưa từng thấy kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính lớn năm 1998.

Các phán đoán về suy thoái kinh tế toàn cầu đã và đang ít đi nhưng điều đó vẫn có thể xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh những cú sốc tài chính gần đây tại Mỹ, sự bất ổn về tương lai kinh tế của Vương quốc Anh và nhiều quan ngại khác về Trung Quốc.

Ngoài ra, những tiến bộ đạt được gần đây có thể bị đảo lộn do các yếu tố khác.

Từ năm 2016, sự phục hồi của giá dầu chắc chắn đã cho phép các chính phủ đẩy mạnh những chương trình trợ cấp xã hội và các biện pháp giảm nghèo khác.

Giá dầu thô đang giao dịch ở mức cao hơn 40% so với tháng 9/2015 và nhiều chính phủ châu Phi có xu hướng sử dụng doanh thu hàng hóa liên quan thay thế các hoạt động thu ngân sách bền vững. Suy thoái toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu về dầu thô cũng như các mặt hàng khác.

Theo World Data Lab, đến năm 2030, chỉ có 11 trong số 54 nước châu Phi được dự đoán có thể xóa đói nghèo cùng cực. Các nước đó hầu hết thuộc Bắc Phi hoặc là các quốc đảo nhỏ.

Trong khi đó, vào năm 2030, trên toàn thế giới, chỉ có 12 quốc gia không thuộc châu Phi sẽ không đạt được SDG. Cả hai dự báo của IF và World Data Lab đều cho thấy sự đảo ngược của xu hướng giảm nghèo hiện nay.

Nói cách khác, trong 10 năm tới, gánh nặng nghèo đói không chỉ tập trung ở châu Phi mà số người sống trong nghèo đói ở châu Phi cũng sẽ tăng. Một yếu tố tất yếu khiến nghèo đói gia tăng lâu dài ở châu Phi là sự gia tăng dân số nhanh chóng của châu lục này.

Số người sống trong nghèo đói của "Lục địa Đen" sẽ tăng gấp hơn hai lần từ khoảng 270 triệu người trong năm 2015 lên hơn 550 triệu người vào năm 2030.

Việc xóa nghèo đói cùng cực phải là nền tảng của bất kỳ chiến lược phát triển toàn diện nào đối với châu Phi.

Các chính phủ châu Phi, các cơ quan phát triển, các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự cần đưa ra các chính sách và ủng hộ các chiến lược với mấu chốt là xóa đói giảm nghèo.

Cung cấp cơ sở hạ tầng cơ bản (Mục tiêu 6), y tế chất lượng (Mục tiêu 3), giáo dục (Mục tiêu 4) cũng như nỗ lực tạo dựng nền kinh tế cạnh tranh toàn cầu (Mục tiêu 8) đều là những tham vọng cần khuyến khích.

Tuy nhiên, những mục tiêu đó dù đạt được cũng sẽ không còn nhiều ý nghĩa nếu hàng trăm triệu người châu Phi tiếp tục bị gạt ra ngoài lề.

Hơn nữa, nhiều khả năng khoảng cách bất bình đẳng sẽ tiếp tục gia tăng với những hậu quả khó lường đối với sự ổn định chính trị và kinh tế.

Khoản đầu tư cần thiết để đạt được toàn bộ các nhóm SDG là rất lớn và có khả năng vượt ra ngoài phạm vi của các chính phủ châu Phi nếu không có sự giúp đỡ đáng kể từ cộng đồng quốc tế.

Ngay cả khi vào năm 2030, châu Phi có thể giảm một nửa mức nghèo cùng cực so với mức hiện tại, viễn cảnh đó cũng sẽ là một thành tựu đáng kể. Cộng đồng quốc tế không nên xem mục tiêu giảm nghèo ở châu Phi là một thất bại bởi lục địa này đã không đáp ứng nhóm Mục tiêu 1.1 thuộc các SDG.

Đó là đến năm 2030, xóa đói nghèo cùng cực đối với mọi người ở khắp mọi nơi với mức sống dưới 1,25 USD/ngày). Thách thức là rất lớn và các nguồn lực cần thiết để giải quyết vấn đề cũng vượt khả năng.

Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế nghiêm túc đánh giá vấn đề xóa đói giảm nghèo ở châu Phi, rõ ràng mục tiêu đã chậm so với tiến độ chung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục