Hòa Bình đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo phát triển KT-XH

Tỉnh Hòa Bình sẽ đẩy mạnh việc chuyển đổi số bằng việc xây dựng, hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội đến năm 2030.
Hòa Bình đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo phát triển KT-XH ảnh 1Lắp đặt trạm Viba tại xã Độc Lập, thành phố Hòa Bình.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới chính quyền điện tử, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là những giải pháp đột phá của tỉnh Hòa Bình góp phần nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hoàn thiện chính quyền điện tử

Tỉnh Hòa Bình sẽ đẩy mạnh việc chuyển đổi số bằng việc xây dựng, hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Để thực hiện được mục tiêu đó, thời gian tới, tỉnh Hòa Bình sẽ ban hành Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 để thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số nhằm xác định rõ quan điểm lãnh đạo, chủ trương, định hướng, xây dựng các mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm, tập trung nguồn lực để chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thời gian qua, tại tỉnh Hòa Bình, hạ tầng viễn thông, Internet trên địa bàn tỉnh đã được các doanh nghiệp viễn thông tích cực đầu tư, nâng cấp hạ tầng mạng lưới với công nghệ tiên tiến, hiện đại không ngừng mở rộng vùng phục vụ đến tất cả các vùng miền, kể cả vùng sâu vùng xa đã góp phần quan trọng trong công tác lãnh đao, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, cũng như nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân trên địa bàn tỉnh.

[Chuyển đổi số không chỉ là thay đổi công nghệ mà cả tư duy]

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 07 doanh nghiệp (Viettel, Viễn thông Hòa Bình, Mobifone, VietNamobile, FPT, Truyền hình cáp Hòa Bình, SCTV) đầu tư, xây dựng hạ tầng, cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet, trong đó 02 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ điện thoại cố định hữu tuyến, vô tuyến là Viễn thông Hòa Bình và Viettel Hòa Bình gồm 01 HOST lắp đặt tại thành phố Hòa Bình với 25 tổng đài chuyển mạch cố định; 05 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định với tổng số trên 510 trạm truy nhập Internet băng thông rộng cố định, trong đó chủ yếu là hạ tầng của Viễn thông Hòa Bình và Viettel Hòa Bình.

Hạ tầng truyền dẫn băng thông rộng cáp quang đã được triển khai rộng khắp đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn. Mạng lưới được tổ chức thành các mạch vòng Ring để vu hồi, dự phòng cho toàn mạng lưới, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.

Hạ tầng mạng thông tin di động có 04 doanh nghiệp (Viettel, Viễn thông Hòa Bình, Mobifone, Vietnammobile) đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ thông tin di động với tổng số BTS 2.650 trạm (bao gồm cả 2G, 3G, 4G) được lắp đặt tạị 1.350 vị trí, trên địa bàn 151 xã, bằng 100% số xã được lắp đặt trạm BTS; phủ sóng đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và hầu hết các thôn, bản, cụm dân cư, tỷ lệ dân số được phủ sóng thông tin di động đạt 99,6% thôn, bản, cụm dân cư.

Mạng băng thông rộng 3G phủ sóng đến 91% thôn, bản, cụm dân cư; mạng băng thông rộng 4G phủ sóng đến 81% thôn, bản, cụm dân cư. Số xã có cáp quang đến trung tâm là 151 xã, đạt tỷ lệ 100% với trên 8.231km cáp quang.

Tổng số thuê bao điện thoại duy trì trên toàn mạng trên 800 nghìn thuê bao, tỷ lệ máy điện thoại xấp xỉ đạt 100 máy/100 dân. Số lượng thuê bao Internet ước đạt trên 600 nghìn thuê bao; tỷ lệ người sử dụng dịch vụ điện thoại di động có điện thoại thông minh đạt 71%; tỷ lệ hộ gia đình có thuê bao cáp quang đạt 54%; thuê bao truyền hình IPTV, truyền hình cáp (tương tự + số) đạt trên 48 nghìn thuê bao.

Tuy nhiên, hạ tầng viễn thông của tỉnh vẫn còn những hạn chế như đầu tư phát triển mạng ít được thực hiện theo kế hoạch dài hạn, các hạng mục đầu tư chủ yếu đáp ứng nhu cầu trước mắt dẫn đến sự bất cập về phát triển hạ tầng mạng; hạ tầng viễn thông sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin được đánh giá ở mức thấp (hạ tầng kỹ thuật của xã hội), xếp hạng 46/63 so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, chưa đạt với mức bình quân so với các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế của địa phương, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030 của tỉnh Hòa Bình đã được đặt trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của cả nước.

Hòa Bình đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo phát triển KT-XH ảnh 2Thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lâm nghiệp tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.

Nội dung phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề cập trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và là một trong 15 Chương trình thuộc Chương trình hành động số 06-Ctr/TU ngày 31/8/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh.

Tỉnh Hòa Bình xác định phải tăng cường nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp; chủ động tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế; phát huy tối đa lợi thế của tỉnh; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mục tiêu đề ra trong 5 năm tới là phải đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công nghiệp hóa, hiện đạo hóa, tạo động lực để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh. Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy, phát triển mạnh mẽ kinh tế số.

Tỉnh Hòa Bình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao tỷ trọng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ và quốc sách hàng đầu, là động lực để phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và góp phần cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu quốc gia.

Theo Đề án số 04 ngày 11/10/2021, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng năng xuất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh là 40%. Mức đầu tư từ ngân sách địa phương và các nguồn lực xã hội cho khoa học và công nghệ tăng dần qua các năm và đạt 1% tổng chi Ngân sách địa phương vào năm 2025; có 300 Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Tỷ lệ trẻ huy động vào lớp 1 đạt 100%; xây dựng và mở rộng trường tiểu học trọng điểm, chất lượng cao; tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt từ 80% trở lên; 85% thanh niên trong độ tuổi đạt trình hộ học vấn giáo dục trung học phổ thông và tương đương; 100% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có chương trình giáo dục hướng nghiệp; 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng, đối với các trường của địa phương có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%; thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, tiến tới 100% các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có trình độ từ Đại học trở lên, có năng lực sư phạm. Toàn tỉnh có 59% trở lên trường Mầm non, Phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

Tỉnh phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 63%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25%. Đào tạo khoảng 77.500 lao động, trong đó: cao đẳng, trung cấp 12.000; sơ cấp 33.500; dạy nghề dưới 3 tháng 32.000.

Cả tỉnh có 0,2% cán bộ, công chức và 0,2 viên chức có trình độ tiến sỹ và tương đương; trên 30% cán bộ, công chức và 4,3% viên chức có trình độ thạc sỹ và tương đương, trong đó có ít nhất 1% cán bộ, công chức có hoàn thành chương trình đào tạo sau Đại học ở nước ngoài.

Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng mạnh đến tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên, khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp của thế hệ trẻ, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp.

Tỉnh đổi mới cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đổi mới giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Có các giải pháp về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục