Hơn 1.000 tỷ đồng xây dựng công trình chống sạt lở tại Long An

Ngoài hạng mục chính là xây dựng tuyến kè bảo vệ bờ sông, kênh, chống sạt lở, các dự án còn triển khai xây dựng các hạng mục như đường giao thông, vỉa hè, hệ thống thu gom thoát nước, cống thoát nước.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, trong giai đoạn 2021-2024, tỉnh Long An sẽ đầu tư xây dựng ba dự án chống sạt lở, với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Các dự án gồm Kè chống sạt lở bờ sông, bảo vệ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức có tổng chiều dài tuyến kè 2,1km, mức đầu tư dự kiến khoảng 420 tỷ đồng. Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây (đoạn từ Chợ cá phường 2 đến cầu mới Tân An, thành phố Tân An) có chiều dài 1,2km, mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Dự án Kè chống sạt lở thị trấn Tân Thạnh giai đoạn hai (huyện Tân Thạnh) có chiều dài 3,7km, mức đầu tư 310 tỷ đồng.

Ngoài hạng mục chính là xây dựng tuyến kè bảo vệ bờ sông, kênh, chống sạt lở, các dự án còn triển khai xây dựng các hạng mục như đường giao thông, vỉa hè, hệ thống thu gom thoát nước và cống thoát nước ngang kè, xây dựng các bến dân sinh.

Nguồn vốn thực hiện các dự án này được lấy từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách của địa phương.

[Long An bố trí hơn 5.100 tỷ đồng thực hiện kế hoạch đầu tư công 2021]

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, khu vực triển khai các dự án nói trên nằm ở địa bàn có dân cư đông đúc, thường xuyên phải hứng chịu những ảnh hưởng rõ rệt nhất do tác động của biến đổi khí hậu. Khu vực này có nguy cơ bị sạt lở gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân.

Việc xây dựng các tuyến kè chống sạt lở bờ sông được thực hiện nhằm bảo vệ các công trình kiến trúc, văn hóa, cơ sở hạ tầng xây dựng ven sông, từng bước ổn định đời sống nhân dân; hạn chế đến mức thấp nhất tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến đời của nhân dân sống bên bờ sông; chủ động ứng phó với hiện tượng sạt lở bờ sông, phòng chống xâm nhập mặn, bảo vệ dân cư và sản xuất trong vùng dự án.

Ngoài ra, các dự án còn góp phần phát triển kết cấu hạ tầng, tạo cảnh quan phục vụ cho phát triển văn hóa, dịch vụ và xây dựng đô thị bền vững; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục