IAEA tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh hạt nhân

Hội nghị toàn thể lần thứ 55 của IAEA thảo luận vấn đề an toàn và an ninh hạt nhân sau thảm họa tại nhà máy Fukushima, Nhật Bản.
Ngày 20/9, Hội nghị toàn thể lần thứ 55 của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) diễn ra tại thủ đô Vienna (Áo) đã tập trung thảo luận vấn đề an toàn và an ninh hạt nhân sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản.

Tổng Giám đốc IAEA, ông Yukiya Amano, cho biết hội nghị đã thông qua Kế hoạch hành động đảm bảo an toàn hạt nhân sau thảm họa Fukushima trong bối cảnh số lượng các nước hướng tới sử dụng năng lượng hạt nhân không giảm mà còn có chiều hướng tăng lên, với dự báo số lượng lò phản ứng hạt nhân trên toàn cầu có thể tăng từ 90 lò hiện nay lên 350 lò vào năm 2030.

Vấn đề thiết yếu của Kế hoạch hành động mới này là đảm bảo tính minh bạch, tăng cường độ tin cậy và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao.

An toàn hạt nhân là vấn đề vô cùng quan trọng đối với tất cả các nước. IAEA đã mở rộng chương trình an toàn hạt nhân để giúp các nước bảo vệ các loại vật liệu hạt nhân, phóng xạ và các thiết bị hạt nhân.

Báo cáo an toàn hạt nhân năm 2011 của IAEA cho biết số nước tham gia cơ sở dữ liệu ghi chép về hoạt động buôn bán vật liệu hạt nhân bất hợp pháp (ITDB) đã tăng tới 113 nước. Trong sáu tháng đầu năm nay đã có 172 vụ việc đã được báo cáo tới ITDB.

Bản báo cáo cũng cho thấy nguồn tài chính mới cho chương trình hợp tác công nghệ hạt nhân quốc tế đã tăng từ 112 triệu USD năm 2009 lên 127,7 triệu USD năm 2010, trong đó an toàn hạt nhân là lĩnh vực hợp tác lớn nhất.

Sáng kiến sử dụng hạt nhân vì mục đích hòa bình cũng đã nhận được nguồn hỗ trợ trên 20 triệu USD trong năm 2010. Thông qua hợp tác công nghệ hạt nhân, các nước đã thúc đẩy các ưu tiên phát triển quốc gia trong các lĩnh vực mà công nghệ hạt nhân có lợi thế hơn các công nghệ khác hoặc có thể bổ sung cho các công nghệ sử dụng trong trong nông nghiệp, thực phẩm, y tế...

Tổng Giám đốc IAEA nhấn mạnh điều đáng hoan nghênh là số lượng các nước tham gia chương trình kiểm soát hạt nhân đã lên tới hơn 110 nước, đảm bảo hiệu lực pháp lý của các nghị định thư bổ sung về kiểm soát hạt nhân trên toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục