IMF hối thúc Eurozone hành động củng cố năng lực tài chính

Tổng Giám đốc IMF kêu gọi các quốc gia khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chuẩn bị quỹ dự phòng chung để hỗ trợ trong trường hợp các nền kinh tế thành viên gặp khó khăn.
IMF hối thúc Eurozone hành động củng cố năng lực tài chính ảnh 1Bà Christine Lagarde. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 26/3, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde kêu gọi các quốc gia khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chuẩn bị quỹ dự phòng chung để hỗ trợ trong trường hợp các nền kinh tế thành viên gặp khó khăn.

Phát biểu tại Berlin (Đức), bà Lagarde dẫn các kết quả nghiên cứu của IMF cho biết việc chuẩn bị một năng lực tài khóa tập trung ở một mức chi phí vừa phải có thể giúp giảm thiểu 50% những tác động tiêu cực trong khủng hoảng.

Theo đề xuất của IMF, các quốc gia nên dành khoảng 0,35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm nộp vào một quỹ chung để sử dụng khi cần thiết với điều kiện quỹ được quản lý bằng những quy định chi tiêu nghiêm ngặt. Khi cần thiết, quỹ có thể được trích ra cho vay để giúp đỡ những quốc gia gặp khó khăn.

Những khuyến cáo của IMF đưa ra trong bối cảnh các đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm củng cố Eurozone và trang bị cho khối này một quỹ quản lý chung sau nhiều năm khủng hoảng chưa đạt được sự đồng tình của tất cả các thành viên.

[Eurogroup đưa ra hạn chót thông qua các biện pháp cải tổ Eurozone]

Một số quốc gia như Hà Lan và Phần Lan lo ngại một mô hình hỗ trợ chung như vậy sẽ khiến các chính phủ trở nên chủ quan hơn vì đã có vốn "chống lưng" trong trường hợp gặp khó khăn về tài chính.

Bà Lagarde cho rằng những lo ngại này là chính đáng tuy nhiên có thể loại bỏ những nguy cơ trên nếu việc trích vốn được thực hiện dựa trên những đánh giá về việc quốc gia thành viên đã tuân thủ các quy định tài khóa chung của toàn khối.

Tổng giám đốc IMF cũng hối thúc các quốc gia Eurozone nhanh chóng đưa những biện pháp này vào áp dụng trước khi khủng hoảng ập tới. Đánh giá lại cuộc khủng hoảng tài chính của Eurozone, bà Lagarde cho rằng khối đã thiếu các cơ chế cần thiết nên liên tục phải chạy đua với thời gian, một ví dụ điển hình là trường hợp của Hy Lạp liên tục phải nhận các gói cứu trợ để thoát bờ vực phá sản.

Việc cấp thiết nhất lúc này là các lãnh đạo phải thống nhất về đích đến, về những nguyên tắc chung, về thời gian thực hiện và triển khai để đạt được những tiến triển thực tiễn, tạo niềm tin./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục