Indonesia cảm hóa các đối tượng từng là khủng bố

Hơn 90% trong khoảng 900 đối tượng bị bắt liên quan các vụ khủng bố đã tự nguyện tham gia chương trình cảm hóa do lực lượng cảnh sát chống khủng bố Detachment 88 của Indonesia thực hiện.
Indonesia cảm hóa các đối tượng từng là khủng bố ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 12/10/2002, bà Ni Luh Erniati đón nhận tin dữ - chồng bà là một trong số 202 nạn nhân thiệt mạng trong loạt vụ đánh bom khủng bố tại tại đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia.

Bà từng nghĩ sẽ không bao giờ nguôi thù hận. Tuy nhiên, sau đó bà nhận ra rằng thù hận chỉ mang lại đau đớn cho chính mình. 20 năm sau vụ đánh bom kinh hoàng, bà Ni Luh Erniati đã quyết định gặp đối tượng khủng bố tham gia vụ đánh bom trên. 

Bà Ni Luh Erniati, 52 tuổi, đã gặp Umar Patek, đối tượng từng tham gia chế tạo bom trong vụ khủng bố tại Bali vào tháng 9 vừa qua. Cuộc gặp diễn ra ở nhà tù Porong, tỉnh Đông Java của Indonesia. Trong suốt cuộc gặp kéo dài 1 giờ đồng hồ, không có tiếng la mắng, thay vào đó là sự hối hận của Umar Patek và bà Erniati quyết định tha thứ cho người mà bà từng coi là kẻ thù.

Cuộc gặp gỡ giữa bà Erniati và  Umar Patek do lực lượng cảnh sát chống khủng bố Detachment 88 của Indonesia thu xếp, trong khuôn khổ chương trình của chính phủ nhằm "phi cực đoan hóa" những đối tượng khủng bố bị kết án. Chương trình này có sự tham gia của Detachment 88 và Cơ quan chống khủng bố quốc gia.

Theo Detachment 88, chương trình nhằm làm thay đổi tư tưởng cực đoan của hàng trăm đối tượng từng là khủng bố. Giám đốc Cơ quan chống khủng bố quốc gia Boy Rafli Amar cho biết những đối tượng này đã thay đổi đáng kể và đã ăn năn về hành vi của mình. 

Theo ông Amar, hơn 90% trong khoảng 900 đối tượng bị bắt liên quan các vụ khủng bố đã tự nguyện tham gia chương trình cảm hóa trên. Những đối tượng tham gia sẽ có cuộc trao đổi với các chuyên gia, qua đó nhận ra rằng bạo lực không phải là giải pháp cho sự bất mãn. Ông Amar nhấn mạnh những tù nhân nhận thức được sự khoan dung cũng như việc chấp nhận khác biệt về tôn giáo và sắc tộc.

[Philipines bắt nghi phạm khủng bố thuộc nhóm phiến quân từ Malaysia]

Vào cuối chương trình, các phạm nhân cam kết trung thành với nhà nước để được giảm án. Người đứng đầu lực lượng Detachment 88, ông Marthinus Hukom, cho biết trường hợp của đối tượng Patek đã phản ánh phần nào tính hiệu quả của chương trình trên. 

Trong khuôn khổ chương trình này, Patek và Ali Imron - một đối tượng khủng bố khác trong vụ đánh bom ở Bali, xuất hiện trong một video tuyên truyền chống khủng bố, dự kiến được đăng tải trên YouTube trong tháng này.  Patek đã đủ điều kiện để được thả tự do vào tháng 8 sau khi được giảm án.

Tuy nhiên, ông Hukom thừa nhận rằng một trong những thách thức trước mắt là tạo dựng sự tin tưởng trong công chúng đối với những đối tượng từng là phần tử khủng bố bởi nếu bị cô lập do sự kỳ thị, những đối tượng này sẽ trở lại con đường cũ. 

Theo ông Hukom, chương trình trên đã đạt được thành công nhất định khi chưa ghi nhận trường hợp nào tái phạm trong 2 năm qua. Tuy nhiên, Indonesia vẫn đối mặt với nguy cơ khủng bố trong bối cảnh nhiều đối tượng khủng bố vẫn hoạt động và thay đổi cách thức tổ chức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục